Ngày nay, các công cụ Analytics cung cấp cho người ta rất nhiều chỉ số. Mỗi chỉ số sẽ có ích cho một người, một thực thể nằm trong ecosystem khác nhau nhưng không có nghĩa rằng tất cả các chỉ số sẽ có ích cho tất cả mọi người. Nói cách khác, bạn đứng ở chỗ nào, bạn cần phải nhặt ra ‘nhóm chỉ số’ tương ứng thực sự có ích cho bạn.

Cá nhân mình cũng cứ băn khoăn cho câu hỏi của mình, giả sử mình làm thương mại điện tử, giả sử mình làm content, cái gì, chỉ số gì là chỉ số mà mình thực sự nên quan tâm hàng ngày?

Quay lại lịch sử, năm 1994 Ken McCarthy giúp việc đưa Click và CTR lên tầm cao mới và được cả thế giới công nhận (cho tới nay là 20 năm) là các chỉ số cần đo đếm. Tuy vậy, các chỉ số này liên quan tới những người bán quảng cáo nhiều hơn. Còn nếu bạn là chủ của một website thì cuối cùng nhiều click từ banner, CTR của banner cao, rồi thì sao? Kết quả kinh doanh của bạn có tốt lên không? Không chắc! Người ta có thể có nhiều cách khác nhau để ‘lùa’ user click vào banner, tăng CTR nhưng kết quả cuối cùng của bản thân bạn lại vẫn tệ.

Medium đề xuất một chỉ số khá hay, dễ đo là Total Time on Site (hay là TTR – Total Time Reading). Lý do dài dòng thì có thể đọc nguyên ở bài viết gốc : Medium’s metric that matters: Total Time Reading. Rõ ràng mà nói, có đo đếm trời biển gì đi nữa nếu mà mức độ chú ý (attention) của người đọc với content của bạn mà giảm thì là có vấn đề rồi (trừ khi bạn làm Search Engine, chỉ muốn người ta search ra kết quả càng nhanh càng tốt và thoát khỏi site của mình).

Google Analytics cũng giúp được phần này khá tốt. Có hai cách để làm như sau.

Một là mình có thể làm Custom Report để lấy được số hàng ngày. Setup đơn giản như sau :

GA - Custom Report - TTR

Có một lưu ý nhỏ (thực ra cũng không nhỏ) là nên filter để lấy Total Time on Site (với một mục đích cụ thể, ví đụ đọc bài, xem hàng, mua hàng …)

Cách thứ hai vẫn dựa vào GA nhưng có thể làm một cách tự động hơn là sử dụng Google Analytics API (GAPI) để móc số. GAPI code siêu dễ, code lởm cỡ mình code cũng được.

Một trong những kinh nghiệm nữa học được sau vụ này là khi vẽ biểu đồ, nên chú ý với những site lớn, Total Time on Site của bạn trong một ngày có thể sẽ rất lớn (tỷ, chục tỷ, trăm tỷ giây …) Do vậy, để tránh bị mất khả năng cảm nhận sự thay đổi về số lớn, hãy sử dụng hàm log (xem thêm sự kỳ diệu của hàm log ở đây).

Ví dụ, nếu lấy số tuyệt đối thì biểu đồ sẽ là thế này :

TTR - 1

Trong khi, nếu lấy Log và vẽ lại biểu đồ thì sẽ có biểu đồ thế này :

ttr - 2

Rõ ràng, nhìn biểu đồ Log mình thấy khoảng cách trồi sụt giữa phần lớn nhất và nhỏ nhất trong biểu đồ khác nhau rất nhiều.

Vậy nên, hãy track chỉ số rất dễ này và coi nó một chỉ số mà bạn cần quan tâm hàng ngày.

Update : Một trong những lý do nữa nên đo Total Time on Site là vì do cách setup GA với các site lớn có thể khác nhau gây ra các chỉ số tương đối (ví dụ visits) sai, dẫn tới các chỉ số trung bình (ví dụ Average Time On Site) cũng sai theo. Tuy vậy, các chỉ số tuyệt đối sẽ không thể sai được (ví dụ Total Time on Site, Total Pageviews…) và nên quan tâm tới các chỉ số tuyệt đối này.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.