Giả sử mình tạo ra một ứng dụng Trà-sữa to earn, nôm na là cứ uống Trà Sữa thì sẽ được earn token (ví dụ tên là $Bubble đi). Với token $Bubble này, mình có thể trade để đổi ra tiền, có thể quay gacha để đổi ra coupon giảm giá Trà sữa ở ngoài đời thật. Ngoài ra với token $Bubble này, khi stake đủ thì mình cũng có cơ hội để mua NFT cái Ly Uống Trà. Khi có NFT Ly Uống Trà, mình lại có thể earn nhiều hơn token $Bubble.

Mình chẳng phải làm gì thêm ngoài việc uống Trà Sữa cả. Nếu mình là fan của môn này, mình vừa được uống Trà Sữa, vừa có cơ hội nhận được token $Bubble để có thể trade hoặc quay gacha (để burn token) đổi coupon. Nghe có vẻ hợp lý.

Trên thực tế, một trong những vấn đề lớn nhất của dự án này là làm sao để chứng minh rằng mình đã uống trà sữa? Chụp ảnh với người pha chế (người ta ko thích bị chụp ảnh thì sao)? Chụp ảnh ly trà hoặc chụp ảnh bill (fake được thì sao? giờ cái ảnh nào chả fake được)? Khó có một giải pháp nào thực sự để chứng minh rằng người sử dụng đã uống trà sữa.

Một ý tưởng táo bạo khác tới từ SEXN, một dự án Sex-2-earn với mong muốn gộp chung hai trong số các nhu cầu quan trọng nhất của loài người là Sex và Money cũng gặp phải vấn đề tương tự. Làm sao để biết chuyện đó thực sự đã xảy ra? Dự án đưa ra yêu cầu người sử dụng phải đeo vòng tay để tracking, nhưng có vẻ cũng không đi tới đâu.

Sau một hồi loay hoay đọc một loạt bài liên quan tới X-to-earn, may mắn là đã tóm được bài viết của MTYL về vấn đề này. Hai điểm quan trọng nhất mà tác giả cho rằng các dự án X-to-earn cần có là :

  1. Có cách đơn giản và tường minh để định lượng được đầu ra của hành vi X
  2. Cung cấp giá trị tích cực cho cộng đồng ngoài giá trị về tài chính

Từ đó, tác giả cho rằng chỉ có 4 đồng chí X có thể tạo ra các dự án thoả mãn hai điều kiện nói trên, đó là Move | Read | Learn | Play.

Move2Earn, Read2Earn, Learn2Earn, Play2Earn.

Hôm nay, T. mới gửi cho một bài viết liên quan tới việc mô hình Play-2-Earn đã chết. Thực ra, GameFi năm 2021-2022 (tạm gọi là GameFi 1.0) đã lộ rõ các nhược điểm cốt lõi của mình với mô hình quá thiên về Finance với vỏ bọc là Game (được quảng cáo là đứa con của Game + Finance nhưng chả thấy giống Game được mấy). Không có niềm vui của game, GameFi 1.0 hoạt động thuần tuý như một cơ hội đầu tư lướt sóng mà không quan tâm tới chất lượng sản phẩm, dẫn tới chất lượng game tệ, vòng đời ngắn, DAU/MAU thấp, không tạo được lòng tin và được gắn mác là các dự án scam/ponzi. Mối quan hệ không được êm ấm giữa Minecraft và blockchain là một ví dụ cho thấy lòng tin về GameFi thấp tới cỡ nào.  MYTL cũng cho rằng, khác với Move/Read/Learn, Play2Earn khó mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng vì các vấn đề được gán nhãn xấu cho ngành game nói chung (ví dụ nghiện game, lãng phí thời gian…) Cộng đồng nói chung có lẽ vẫn còn đánh giá khá xấu và khá sai về game, cho dù game rõ ràng có nhiều ích lợi. Thậm chí, nếu không có game, những người đàn ông cô đơn khéo đã đăng xuất khỏi Trái Đất từ lâu rồi.

StepN, một dự án Move-To-Earn nổi tiếng khác cũng đối mặt với câu hỏi, họ có phải đang xây dựng mô hình theo ponzi scheme hay không. Move-2-Earn thoả mãn hai điều kiện của MYTL, có thể tracking một cách đơn giản và tường minh về hành động Move (mặc dù người ta vẫn có thể cheat, đương nhiên game truyền thống cũng cheat đầy ra đó) + cung cấp giá trị tích cực (intrinsic) cho cộng đồng thông qua hành động Move (Run/Jog/Ride/Swim…) Tuy vậy, Move-to-earn cũng gặp phải vấn đề về việc không dễ dàng kiểm soát được giá token do khó cân bằng về động lực extrinsic (cày X để earn token/tiền – bù lại đầu tư ban đầu) và động lực intrinsic (cày X để khoẻ) dẫn tới DAU/MAU có thể giảm nhanh chóng do giá của Token hoặc dự án không có gì mới.

Sau một hồi loay hoay đọc các bài viết trên Internet, cá nhân mình cho rằng sự sexy của các dự án X-to-Earn đứng ở góc độ của người làm dự án tới từ hai điểm chính:

  1. Dễ dàng kêu gọi vốn thông qua phát hành token trước khi dự án chính thức launch (hoặc thậm chí phát hành token trước khi alpha test vào thời 2021 cũng chả sao, mọi người nhìn whitepaper lung linh là đủ rồi khỏi cần chơi game hoặc test dự án)
  2. Không tốn nhiều tiền để grow user-base thông qua các chiến dịch quảng cáo rầm rộ như dự án web2

Hồi làm game ở VNG, bọn mình vẫn hay nhìn funnel A.R.M (làm sao để acquire được user, làm sao để retain được user, làm sao để monitize được user). Lúc đó có một thiếu sót là làm sao để defend (đào hào – moat) được khỏi các đối thủ khác do VNG toàn chơi IP xịn game xịn.

Với Move2Earn, Acquisition trong mùa uptrend trở thành bài toán đơn giản hơn web2 rất nhiều. Có partnership tốt, có lượng user quan tâm lớn (bằng việc thuyết phục trên giấy) vì dự án có tiềm năng lãi là khả năng không cần chạy quảng cáo để acquisition (mà chỉ cần thông qua các hoạt động branding và affiliate với KoL/KoC) là ổn. Trong khi đó web2 phải lần mò chạy đủ mọi loại quảng cáo branding/performance, tìm và tinh chỉnh đối tượng phù hợp sau khi có dữ liệu, tiếp tục chạy quảng cáo với đối tượng đã được tinh chỉnh, thả coupon để kéo khách hàng mới … có chăng chỉ giống nhau ở KoL/KoC.

Câu chuyện Retention là câu chuyện luôn luôn nóng nhưng ít nhiều không được quan tâm bằng Acquisition thì với Move-2-Earn cũng gặp nhiều vấn đề. Vì bạn chỉ biết user của bạn thông qua địa chỉ ví, vì web3 là user sẽ kiểm soát chặt chẽ data của họ nên bạn chả có thể nào gửi email cho các tập đối tượng khác nhau theo các tactic xưa, bạn chả có thể nào retarget tới các tập đối tượng này để kéo họ quay lại. User quan tâm tới các động lực extrinsic (tiền chả hạn) nhiều hơn, nên ví dụ token mà giảm giá thì họ qua dự án khác đầu tư thời gian công sức chứ chả ở lại dự án X-to-Earn của bạn vì niềm vui một chút nào (vì có thể nó chả vui gì cả). Với Web2, họ không bỏ game đi vì họ tiếc cộng đồng, tiếc thời gian đã chơi game, họ không bỏ mạng xã hội đi vì họ tiếc những mối quan hệ trên đó … Với X-to-Earn thuần tuý chỉ X để earn, họ không quan tâm lắm đến những thứ mới nói ở trên.

Monetization là một câu chuyện thú vị khác. Một dự án X-to-Earn thành công có thể đã giàu to từ trước khi ra bản test đầu tiên của sản phẩm, cố gắng biến mọi thứ trở thành NFT để có thể bán được và ăn phế trên giao dịch …

FMResearchs cũng đưa ra một biểu đồ thú vị về đường growth của các dự án X-to-Earn nói chung. Sau khi được cộng đồng quan tâm chú ý/đầu tư và phát triển nhanh đột biến, các dự án cũng thường rớt đột biến khi thuần tuý về phương diện tài chính, lợi ích mà user nhận được (Earn) không còn đủ tốt như kỳ vọng (hoặc thậm chí là lỗ). Lúc này, dự án rơi về điểm Fair Value cho cả người làm lẫn người sử dụng. Ở đây dự án có thể chết nếu user bỏ đi vì không có động lực extrinsic (tiền) lẫn động lực intrinsic (vui, cộng đồng) đủ tốt. Dự án có thể cũng sẽ phát triển trở lại lần thứ hai nếu với tập core user, đội ngũ dev có thể tạo ra các feature đủ tốt để giữ họ ở lại + làm cho cộng đồng thấy vui trở lại với các feature mới. Một câu hỏi thú vị đi từ MYTL là nếu sau này StepN đi tới ngã ba đường này, tại sao những người ban đầu đầu tư tiền vào StepN chỉ vì lý do tài chính nhưng sau đó lại tạo lập được thói quen tốt chạy 5km mỗi ngày không bỏ StepN ra đi nhưng vẫn tiếp tục thói quen chạy 5km của họ? Tại sao? Không có lời giải cho việc tại sao. Họ hoàn toàn có thể bỏ StepN sau khi đã hình thành thói quen chạy 5km (và có thể đã hoàn vốn hoặc chưa hoàn vốn đầu tư ban đầu). Chuyện này cũng giống như việc đi tập yoga ban đầu ở trung tâm và sau đó tự tập ở nhà. Lấy gì để defend? cái hào nằm ở đâu để ngăn cản user bỏ đi? 

Sự phát triển trong wave tiếp theo của X-2-Earn chắc chắn sẽ thú vị. Nói vui, mình có thể có Free/Rent/Paid to/and X/Own/Earn (ví dụ Paid to Play – game đĩa truyền thống/ Free to Play – game hiện tại, chơi miễn phí nhưng phải xem quảng cáo hoặc trả tiền IAP để mua vật phẩm nâng cấp/ Free to Own – một concept thú vị chưa thành hình rõ ràng những nếu thành công có thể disrupt mô hình game Free to Play hiện tại). Mình cũng có thể có Free to Play + Play and Earn thay vì Play to Earn thuần tuý. Riêng về game, eSport cũng có thể là một hướng đi tích cực cho việc kết hợp với NFT và mô hình Watch-to-Earn.

Nói về web3.0 hiện tại, mình thấy mơ hồ. Bỏ qua AI đang xôm tụ với MidJourney hay ChatGPT (tin là nó sẽ đi qua nhanh sau khi mọi người không sử dụng được nó vào công việc thực sự của mình), narrative cho wave tiếp theo đối với mình sẽ thiên về web2.5 nhiều hơn – nơi mà các ông lớn về web2.0 (có thể là platform, có thể là người nắm giữ IP/nội dung…) có sẵn nguồn lực, có sẵn user … tích hợp blockchain/crypto wallet vào. Hãy chờ xem Amazon sẽ làm gì với NFT, hãy chú ý tới Starbucks đã và sẽ làm gì khi nâng cấp hệ thống Loyalty truyền thống (vốn dĩ thẻ đã đẹp) để tích hợp thêm NFT vào. Chắc sẽ thú vị lắm.

 

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.