Có một tập của Doraemon có tên là “Bộ sưu tập nút chai” nói về sở thích sưu tập của con người. Nói chung cũng giống như các tập truyện khác, Nobita không sưu tập gì trong khi các bạn từ giàu tới nghèo đều sưu tập một thứ gì đó. Đương nhiên Nobita sẽ cầu viện Doraemon và cũng đương nhiên là Doraemon sẽ tung ra “Virus đua đòi” để khiến cho toàn bộ thế giới này FOMO về nút chai – vật mà Nobita có nhiều và hiếm. Kết truyện, lúc mà Nobita suýt bán được chiếc nút chai vô cùng quý hiếm của mình thì virus đua đòi hết hạn. Và thế là, lại chẳng còn ai muốn mua nó nữa.

Nghe quen không? FOMO, lên giá, lên giá, lên giá, FUD, ra đi cả đống tiền. Nhưng mình không và chưa muốn viết về tiền bạc trong bài blog này, mình trước hết cần tự coi lại bản thân mình về những gì liên quan tới sưu tầm đã.

Trong chiếc link này, người ta không chỉ sưu tập tem hay nắp chai mà còn sưu tầm những thứ quái dị hơn, từ túi chống nôn, gọt bút chì cho tới cái gãi lưng. Vậy thì tại sao người ta lại thích sưu tầm những thứ chẳng có nhiều giá trị với đa số người khác? Câu này hem dễ trả lời.

Để nói về chuyện này, ta có thể nói tới những con gấu bông đầu đời mà các đứa trẻ giữ mãi không muốn bỏ đi (mình thì có một chiếc chăn/mền 10 năm không muốn bỏ) – để nói về hiệu ứng Endownment. Hiệu ứng này nói về việc con người có xu hướng trân trọng (và định giá cao) những gì mà họ sở hữu hơn là những gì mà họ không sở hữu (các phần mềm/dịch vụ dùng thử hay dùng chiêu này để tạo kết nối giữa người dùng và dịch vụ ban đầu). Điểm khởi đầu của việc tại sao con người lại sưu tầm có thể tới từ bản năng xa xưa (ai càng trữ được nhiều đồ càng có khả năng sống sót), có thể tới từ cái gì đó mà các nhà phân tâm học nói về ham muốn chiếm hữu và có thể là chủ đề ưa thích của những nhà tối giản học khi muốn dạy cho bạn dọn nhà. Tuy vậy, chắc chắn rằng cho dù lý do là gì, mình nghĩ khi bạn đã sưu tập những món đồ khác nhau theo một chủ đề nào đó, là bởi vì tâm trí của bạn đã tương thông với món đồ này. Bạn có cảm xúc với nó để có thể nhìn thấy nó được nhiều lần, có nhiều cảm xúc khác nhau trong nhiều thời điểm khác nhau với cùng một món đồ đó và đương nhiên bạn đánh giá cao nó (hơn những món đồ khác mà bạn chưa/không sở hữu). Những bộ sưu tập cũng có thể là những gì gợi nhớ cho bạn về ký ức xưa (ví dụ như là những album ảnh gia đình -> và bây giờ là album ảnh trên Facebook). Trên hết, nhiều lúc tất cả những thứ này sẽ khiến cho tâm trạng của bạn vui vẻ, chẳng vì điều gì cả, chỉ vì đơn giản bạn đang có bộ sưu tập đó.

Nếu nói rộng ra ngoài, việc sưu tập một thứ gì đó sẽ giúp cho bạn có cảm giác bạn nằm trong cộng đồng nào đó. Mà đã nằm trong cộng đồng, bạn sẽ có sự phụ thuộc vào cộng đồng, so sánh với các thành viên trong cộng đồng, trao đổi, mua bán với các thành viên trong cộng đồng và cuối cùng là sự hưng phấn từ tất cả những chuyện này.

Ví dụ cho một thứ kỳ lạ khác là Pet Rock được tạo ra vào năm 1975 bởi một nhân vật tài năng tới từ California có tên là Gary Dahl. Sau khi nghe quá nhiều lời phàn nàn từ bạn bè, Gary cho rằng một ‘con thú cưng’ xịn phải là một thú cưng không cần mình chăm sóc, không cần mình cho ăn uống, không cần lo lắng chuyện đi toilet, không cần dắt đi dạo, không bao giờ bỏ nhà ra đi, không bao giờ phản bội mình, không bao giờ ốm và không bao giờ chết. Vì vậy….hòn đá là nhân vật chuẩn chỉnh nhất để làm ‘thú cưng’ (oh my chuối, nếu mà nghĩ tới vợ cưng hoặc chồng cưng thì sao lolz).

Nghe thì thật là điên rồ. Nhưng sự điên rồ này có được sự chia sẻ từ hơn 1 triệu người khác. Chính xác là chỉ hơn 1 năm (1975-1976) đã có tới hơn 1.5 triệu Pet Rock được bán. Nếu thời đó mà Internet phát triển như bây giờ,  tin rằng chắc con số đó khéo lên tới 100 lần (và lý do tại sao mình lại shill $JOJO các bạn nhé).

Và rồi chẳng ai lại sưu tầm một cái cả, người ta sưu tầm cả bộ cho dù không phải mọi thứ trong bộ sưu tập sẽ được ưa thích giống như nhau. Và cũng không phải là người ta chỉ sưu tầm những gì sờ được, ăn được, người ta còn sưu tầm cả những thứ ảo tung chảo khác nữa ở trên mạng.

Có một điều kỳ diệu của những thứ ở trên mạng so với một bộ sưu tập tem hay một chiếc nắp chai ở ngoài đời – đó là sự biến đổi theo thời gian. Có một vài món đồ trong Harry Porter mà mình đặc biệt thích, đó là cái Tưởng Ký nơi người ta có thể ‘đọc lại’ được những sợi ký ức trung thực của mình – nghe có metaverse không? – và những bức tranh treo trên tường ở Hogwarts, nơi mà các nhân vật trong tranh không đứng yên mà cứ chạy lung tung khắp nơi. Bạn nghĩ xem bạn ngắm một bức tranh mà nó cứ biến đổi liên tục thì hẳn là thú vị hơn so với một bức tranh tĩnh chứ?

Quay trở lại, vậy thì từ Pet Rock lên tới gà ảo Tamagotchi là một bước tiến khủng khiếp. Pet Rock nó chỉ là một cục đá vô tri mà mình tạo cảm giác với nó, còn gà ảo Tamagotchi thì biến đổi theo thời gian, giống với những bức tranh treo trên tường ở trường Hogwarts. Nghe sinh động và có giá trị hơn hẳn (NFT mà cũng thay đổi và nở ra thành nhân vật xịt như thế là có giá trị trăm chẹo tới cả tỏi chứ chả chơi :D). Nó giống như việc bạn có một “bộ sưu tập” những quán cà phê quen thuộc, bởi vì qua thời gian, càng ngày bạn càng nạp vào đầu mình nhiều hình ảnh khác nhau về nó, về khung cảnh, về con người ở đó và bạn càng thân thuộc hơn. 

Cái cuối cùng muốn nói về bộ sưu tập là một thứ ngược lại, được gọi là hiệu ứng Alfred – chỉ về cảm giác của người sử dụng khi cảm thấy rằng đây là sản phẩm dịch vụ được thiết kế riêng cho bản thân tôi mà không có một sản phẩm dịch vụ nào trên đời này có thể thay thế được. Đôi khi, bạn sưu tập một vài thứ gì đó bởi vì bạn tin rằng những thứ đó là điều tốt nhất dành riêng cho bạn, ví dụ như một quán ăn để hẹn hò lần đầu tiên, ví dụ như một playlist chỉ chuyên để nghe vào những ngày trời mưa ẩm ương… Và khi đã cảm giác như vậy, mình tin rằng bạn sẽ rất khó để rời bỏ bộ sưu tập này của mình.

Tạm dừng dở dang như vậy vì mình chưa biết nên viết gì tiếp. Tuy vậy hành trình sưu tập là một hành trình thú vị, khi càng ngày bạn càng gắn kết với những gì bạn sưu tập và thêm chút gia vị mắm muối vào cho nó (ví dụ nhìn thấy khung cảnh mùa đông ở quán cà phê chỉ hay lui tới vào mùa xuân, hay là biết thêm câu chuyện về một con tem mà mình không chú ý tới …) 

Tự hỏi, có ai trên đời này không sưu tập một thứ gì đó không?

2Dec: Sapiens đã bị thuần hoá bởi ngũ cốc -> định cư tại chỗ/tăng dân số -> dễ bị thiếu hụt -> luôn có ý định tích trữ.

 

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.