Từ Jazz cho tới Rock (P1)
Bài này mình dịch cách đây chắc cũng phải 20 năm, khi mà tiếng Anh còn ngây ngô (thực ra giờ mình cũng không chắc đã khá hơn). Lúc đó đăng trên TTVNOL, rồi cái mất mất. May mà tự dưng lưu lại được cái file doc và tìm thấy nó (chắc hồi đó mạng cùi nên làm gì cũng lưu file cho chắc). Nên mình post lại lên cho đỡ phí công dịch. Có sai gì thì comment để mình sửa nhé, chân thành cám ơn.
—-
Khởi nguồn
Nhạc jazz được khởi nguồn từ đâu ? Nhạc sỹ nào, xã hội nào, nền văn hoá nào đã tạo nên jazz ?
Jazz là một nét văn hoá bản xứ ban đầu chỉ của riêng người Mỹ và đã được tạo ra bởi người Mỹ. Âm nhạc phương Tây và châu Phi là nơi đã gieo hạt nên jazz, nhưng chính văn hoá Mỹ mới là nơi jazz nảy mầm và phát triển. Jazz không phải là loại nhạc của người da trắng, cũng chẳng phải là của người da đen, mà nó là cả một câu chuyện về những phong tục, di sản và cả triết học.
Trong suốt những năm đầu tiên phát triển của đất nước Mỹ, chế độ sở hữu nô lệ được coi là một chuẩn mực☹. Nô lệ bị ép buộc đến từ châu Phi phải làm việc vất vả trong các đồn điền của người Mỹ. Những nhạc công và những tài năng âm nhạc trong số đó đã học được rất nhanh nền âm nhạc vốn có sẵn của phương Tây, cùng lúc đó, âm nhạc phương Tây cũng đã có không ít bài học về âm nhạc Phi châu.
Nền văn hoá sơ khai của châu Phi coi trọng âm nhạc hơn phương Tây rất nhiều. Âm nhạc là một khía cạnh quan trọng trong những hoạt động hàng ngày của thổ dân châu Phi. Thổ dân châu Phi rất coi trọng các hoạt động theo nhịp điệu khá phức tạp và tiến bộ dựa trên một ca từ và giai điệu đơn giản. Những nét nhịp điệu này đã gắn liền với nô lệ châu Phi trong suốt thời gian họ bị bắt ép làm nô lệ ở Mỹ.
Hơn nữa, một số những người Mỹ da đen mới cũng thể hiện mình thông qua nét âm nhạc truyền thống của họ. Vì cách xa quê hương nên âm nhạc truyền thống một phần cũng không thể thể hiện chính xác được vì rất nhiều lý do, ví dụ như không được sử dụng các nhạc cụ châu Phi truyền thống. Chúng ta có thể hiểu như một ban nhạc rock của các nghệ sỹ châu Phi khi biểu diễn ở Mỹ không được sử dụng bất cứ một cây guitar điện, một dàn trống… Tuy vậy, ban nhạc này vẫn đủ nội lực để có thể sử dụng các nhạc cụ có sẵn tạo ra âm nhạc của mình và điều này là chính xác đối với các nô lệ da đen ở Mỹ.
Bên cạnh việc tìm các nhạc cụ mới, các nhạc sỹ châu Phi cũng đã mở rộng mình để tìm hiểu âm nhạc của phương Tây. Sự mở rộng này là khởi nguồn nảy mầm của nhạc jazz. Những ca từ, giai điệu, nhịp điệu, và cả văn hoá Tây phương không ít thì nhiều cũng đã dần thấm vào những người da đen. Tất nhiên, các nhạc sỹ da trắng cũng đã bị ảnh hưởng nhiều khi nghe nhạc của người da đen. Thời gian trôi qua, và sự trao đổi âm nhạc này đã tạo ra Jazz.
Ngày nay, ở đâu đấy chúng ta vẫn còn bắt gặp những nét nhạc cổ xưa của Phi châu trong Rock và Jazz. Ví dụ, chúng ta có thể thấy phương pháp “gọi và trả lời” được biến tấu khi ca sỹ hát chính hát một đoạn nhạc và sau đó cả nhóm đồng ca hát phụ hoạ lại (giống như những câu hỏi và trả lời).
Một ví dụ khác là “pitch-bending”. Trong suốt những năm ra đời của Jazz, các nhạc sỹ đã uốn cong cao độ trong bài hát của mình tuỳ theo những yêu cầu khác nhau. Hiệu ứng này tạo ra một sự ngạc nhiên cho tai của chúng ta vì không biết thực sự nốt nhạc kết thúc ở đâu. Một số ít các nhạc sỹ Rock và Jazz hiện nay vẫn sử dụng phương pháp này, hãy lắng nghe một đoạn guitar solo trong một bản Rock mà xem. Hầu hết các nhạc cụ tổng hợp(ví dụ Organ) đều có các thiết bị pitch-bend tích hợp bên trong.
Khi nhạc Jazz phát triển, có rất nhiều các loại nhạc khác đã ra đời dựa trên jazz, Rhythm & Blue, Soul,Funk,Rap và Rock ‘n’ Roll đều đã thừa hưởng rất nhiều từ Jazz.
Blue
Trước khi chúng ta đi sâu hơn về Jazz, cần phải dừng lại ở một loại nhạc. Đây có thể không chính xác được xếp là một phong cách nhạc nhưng nếu chỉ coi là những nền móng của một loại nhạc thì không thật chính xác. Những nền móng này không chỉ được bắt gặp ở trong Rock và Jazz mà còn trong rất nhiều các loại nhạc phổ thông khác, bao gồm, country, gospel, và cả một số tác phẩm cổ điển cùng thời với nó. Đó chính là Blues.
Khởi nguồn của Blues không đơn giản một cách chắc chắn như là đã được khắc lên đá. Trong một vài năm, đã có rất nhiều chuẩn mực về giai điệu, cách hoà âm được thiết lập, và những chuẩn mực này đã và vẫn đang được biểu diễn rộng rãi. Blues có thể rất buồn, hạnh phúc, chậm, nhanh, không lời, ca khúc… và thậm chí là bất cứ nét nhạc nào do các nghệ sỹ viết ra.
Một trong những chuẩn mực được phổ biến rộng rãi về blues được gọi là “gam blues” (blues scale – bắt đầu từ C : C,Eb,F,Gb,G,Bb) được xuất phát có lẽ là từ gam ngũ âm của người châu Phi (African Pentatonic scale- C,D,E,F#,G#,A#) và kết hợp với các gam âm nguyên của phương Tây (C,D,E,F,G,A,B) và dần dần kết hợp để tạo nên gam blues như hiện nay. Như đã nói ở trước, các nốt méo được sử dụng ngay từ những ngày đầu tiên phát triển nên Jazz, theo cách đó hiệu ứng “pitch-bending” có thể tạo ra những nốt nhạc lỏng lẻo để tạo nên những thuật ngữ như “flat-third”,”flat-fifth”, và “flat-seventh”, của gam blues. Tính lỏng lẻo không ổn định của blues đã tạo nên một chất rất riêng của nó.
Cùng với gam chuẩn của nhạc blues, một quá trình hình thành giai điệu của nhạc blue cũng đã xảy ra. Quá trình đó bây giờ được gọi là “12 bar blues -?” (I,I,I,I,IV,IV,I,I,V,IV,I,I). Mỗi một chữ số La Mã ở đây tương ứng với một trong bốn nhịp và mẫu này được lặp lại trong suốt quá trình soạn một bản nhạc blues.
Lời cua những bản nhạc blues thông thường khá đơn giản nhưng vào thời điểm đó khá là sầu thảm. Rất nhiều lời của các bài blues được viết dưới dạng thơ ngũ âm(iambic-thơ trào phúng cổ của người Hy lạp). Khi lời của bài hát được viết dưới dạng ngũ âm, 12 hợp âm của chúng ta được chia thành 3 phần bằng nhau. Phần đầu của lời(gọi là phần A) thường được lặp lại và sau đó đến phần tiếp theo khác đi(phần B) là phần cuối cùng. Lời bài hát sẽ được lặp lại theo mẫu sau “A A B”. Đây là một ví dụ, bài “Don’t Fish in My Sea” của Ma Rainey :
My daddy come home this mornin’ drunk as he could be, (A)
My daddy come home this mornin’ drunk as he could be, (A)
I knowed by that he’s done got bad on me. (B)
He used to stay out late, now he don’t come home at all,
He used to stay out late, now he don’t come home at all,
I know there’s another mule kickin’ in my stall.
If you don’t like my ocean, don’t fish in my sea,
Don’t like my ocean, don’t fish in my sea,
Stay out of my valley, and let my mountain be.
I ain’t had no lovin’ since God knows when,
I ain’t had no lovin’ since God knows when,
That’s the reason I’m through with these no good triflin’men.
Never miss the sunshine till the rain begin to fall,
Never miss the sunshine till the rain begin to fall,
You’ll never miss you ham till another mule be in your stall.
Lịch sử của các giọng hát nhạc blues được chia thành hai nửa. Mỗi nửa thể hiện một giai đoạn khác nhau. Nửa đầu tiên vào khoảng cuối thế kỷ IXX đến những năm 1930. Nửa này ghi nhận hai phong cách hát blues riêng biệt. Phong cách thứ nhất có thể được coi là country hoặc rural-blues trong khi đó phong cách còn lại được gắn mác city hoặc urban-blues (☺).
Nhạc blues đồng quê được hát bởi những người đàn ông với nhạc cụ và phần nhạc đệm đơn giản. Những ca sỹ hát nhạc blues thời đó thường chỉ có cây guitar là nhạc cụ duy nhất để đệm cho mình. Ca từ cũng rất đơn giản và âm nhạc thật sự rất mộc mạc và không hề được gọt dũa. Một số ca sỹ nam nổi tiếng được ghi vào sử sách có thể kể tới là Lightnin’ Hopkins, Huddie Ledbetter, Big Bill Broonzy, và Blind Lemon Jefferson.
Nhạc blues thành phố bao gồm cả giọng ca của các ca sỹ nam và nữ. Âm nhạc ở đây tao nhã và tinh tế hơn nhạc blues đồng quê. Thay bởi phần nhạc nền đơn giản, những ca sỹ nhạc đồng quê thành phố còn có thể sử dụng một nhóm khiêu vũ nhỏ phụ hoạ. Bessie Smith, Ma Rainey, và Chippie Hill là những ca sỹ nổi tiếng nhất ở phong cách này.
Sau năm 1930, phong cách nhạc blues bắt đầu thay đổi. Đi theo sự phát triển của các giọng ca blues, sự phát triển trình độ của một số các nhạc công cũng tăng lên đáng kể. Vào lúc này, những nghệ sỹ nhạc blues lớn có thể sử dụng nhạc cụ tốt như là giọng hát của họ. Vào thời gian khởi đầu, các nhạc công thường bắt chước phong cách của các ca sỹ nhưng đến thời điểm này một số ca sỹ cũng đã phải sao chép phong cách của các nhạc công lớn. Một số các nghệ sỹ chính trong thời kỳ này có thể kể đến như Joe Turner (có ảnh hưởng lớn tới Rock ‘n’ Roll sau này) , Joe Williams, và Jimmy Rushing (Both Williams và Rushing đều hát trong ban nhạc nổi tiếng Count Basie). Các nhạc sỹ có thể vừa hát vùa đệm đàn nổi tiếng có thể kể tới Louis “Satchmo” Armstrong, B.B.King, Ray Charles.
Như đã nói ở trên, Blues được sử dụng nhiều trong tất cả các loại nhạc phổ thông. Chúng ta có thể kể ra đây một vài ví dụ như “Rock Around the Clock” bởi Bill Haley và the Comets (l954); “409” bởi the Beachboys (l961); “Reeling and Rockin” bởi Chuck Berry (late l950s); “In the Mood” thực hiện bởi Glenn Miller (l941); “Hound Dog” bởi Elvis Presley (l957); và “Can’t Buy Me Love” bởi the Beatles (l965).
Ragtime
Phong cách tiêu biểu đầu tiên của Jazz và có lẽ là phong cách phổ biến nhất đầu tiên ở Mỹ là Ragtime, dựa trên chủ yếu là nền nhạc piano solo.
Vì Ragtime được xây dựng chủ yếu trên một nền nhạc solo, kỹ thuật sử dụng piano ở đây được coi trọng và rất phát triển. Phần bên trái được sử dụng để chơi các âm thanh trầm và hợp âm, phần tay phải chơi đệm cho bài hát. Vào thời điểm đó, cách chơi này là khá khó khăn và đòi hỏi những kỹ năng nhất định. Song song với những âm thanh mạnh mẽ của Ragtime là một số lượng lớn các nốt nhấn lệch khá rắc rối.
Hầu hết các bản nhạc và lời của Ragtime đã được soạn trên giấy. Lý do đơn giản là các nhạc sỹ đã có thể bán để kiếm tiền như các ca sỹ bán băng và đĩa như hiện nay. Vào thời đó, TV, radio, còn chưa được phát minh hoặc chưa được phổ biến rộng rãi, vì vậy, nhu cầu giải trí tại gia là rất lớn.
Chơi piano vào những năm cuối thế kỷ IXX là khá phổ biến, mọi người dân đều có thể tự chơi nhạc tại nhà, ngay cả nếu họ không biết/muốn chơi, họ vẫn có thể trả tiền để mời một nhạc công tới chơi. Nhờ cách đó, Ragtime đã được nghe và phổ biến trên khắp nước Mỹ.
Nhờ tính phổ biến của mình, Ragtime được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh , hội hè, trong khách sạn, quán ăn, Những cuộc thi Ragtime trên khắp nước Mỹ cũng được tổ chức, và thậm chí dân chúng cũng có thể nhẩy múa dựa trên phong cách Jazz phổ biến này.
Ragtime được cấu tạo dựa trên rất nhiều các chất liệu cổ điển phương Tây. Mỗi Rag chứa 4 giai điệu chính và quan trọng ngang nhau. Tuy vậy các phần trong nhạc Rag lại khá đối lập nhau, phần đầu rất ồn ào ầm mỹ trong khi phần thứ hai lại ngược lại hoàn toàn.
Nghệ sỹ viết và chơi nhạc Ragtime nổi tiếng nhất có lẽ là Scott Joplin. Joplin được đào tạo chính quy để viết opera. Một số các nhạc sỹ quan trọng khác là Tom Turpin, Joseph Lamb, và James Scott.
Ragtime dần dần lụi tàn vào khoảng năm 1920 khi các dòng nhạc Jazz khác phát triển. Vào những năm 1970, Ragtime(đặc biệt kể đến Scott Joplin) đã một lần nữa phát triển lại dòng nhạc này trong bộ phim nổi tiếng “The Sting” được đóng bởi Robert Redford và Paul Newman. Soundtrack của bộ phim này đã được giải thưởng của Viện Hàn lâm trong cùng năm đó. Những nhà đạo diễn và cả những người dân Mỹ một lần nữa lại tìm ra phong cách nhạc độc đáo này sau nửa thế kỷ Scott Joplin không còn tồn tại nữa.
New Orleans Dixieland
Ngay trong khi Ragtime đang phát triển rực rỡ, một dòng nhạc Jazz khác đã được hình thành. Ở miền nam nước Mỹ, một thành phố cảng với nền kinh tế vững chắc đã là cái nôi để phát triển dòng nhạc Jazz mới. Kết quả là chúng ta có dòng nhạc Jazz ở New Orleans theo kiểu Dixieland.
Trong những năm đầu tiên của thế kỷ XX, New Orleans với nền kinh tế vững chắc của mình đã là cái nôi vững chắc để nghệ thuật phát triển. Khi Venice(Italy) vào những năm 1500 tới 1600 phát triển mạnh, âm nhạc thời kỳ Phục hưng và tiền-Baroc đã được gieo mầm và phát triển. Pháp và Đức vào những năm 1700-1800 cũng là những nước có tiềm lực kinh tế mạnh, đi cùng nó là nghệ thuật hội hoạ đỉnh cao. Một lần nữa vào những năm 1900 Mỹ là nước phát triển mạnh nhất và New Orrleans là trung tâm của những cơ hội phát triển mới.
New Orleans là một thành phố có thể bao dung mọi thành phần trong xã hội cũng như mọi nền văn hoá. Lịch sử của thành phố đã chứng minh điều này. Đầu tiên, thành phố này là của người Pháp trong khoảng 50 năm. Vào năm 1764. nó là của người Tây Ban Nha trong khoảng 40 năm. Sau khi được trả lại cho người Pháp, cuối cùng nó đã được mua bán để thành một phần của nước Mỹ. Với sự giao thoa này thì đây là một nơi lý tưởng để hoà trộn nền văn hoá châu Phi và phương Tây tạo nên Jazz.
Một vài hiện tượng tự nhiên, xã hội, kinh tế tồn tại ở đây đã ảnh hưởng trực tiếp tới Jazz. Đầu tiên phải kể đến những người Pháp lai da đen có một nền văn hoá âm nhạc cổ điển trang nghiêm, và tiếp đến là âm nhạc cổ truyền thô mộc ít tinh tế hơn của người da đen.
Thứ hai, một truyền thống tổ chức tang lễ rất đặc biệt nhưng lại phổ biến ở New Orleans với sự tham gia của ban nhạc tang lễ chơi các hành khúc. Trong lịch sử có rất nhiều kiểu nhạc công đã được mời chơi trong các lễ tang, nhưng ở New Orleans, nhạc công chơi theo một cách rất đặc biệt. Như mọi ban nhạc tang lễ chơi ngoài nghĩa địa khác, họ cũng tấu những bản nhạc chậm rãi, u ám. Ngay sau tang lễ, ban nhạc cũng lặp lại những ca khúc đau buồn đó cho đến khi đám rước tiến đến cổng nghĩa trang. Ngay lập tức ban nhạc sẽ chuyển sang loại nhạc nhanh và vui vẻ. Thứ nhạc nhanh và vui này sẽ đi theo đám rước cho tới khi họ về đến thị trấn để rũ bỏ những u sầu khi mất một người thân.
Thứ ba, bên cạnh nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, thành phố còn có 32 khu vực đặc biệt gọi là Storyville (lầu xanh-“red-light” district). Trong mỗi khu thường có 4 lầu xanh 2 tầng, tầng dưới là các phòng lớn và tầng trên dùng để “làm việc”. Các phòng lớn này cũng giống như hộp đêm hiện nay đã chơi một thứ nhạc mới và thịnh hành suốt cả ngày để đem lại thư thái cho những ông chủ. Khu Storyville này đã đem lại rất nhiều công việc cho các nhạc công chơi Jazz.
Khi dòng nhạc Dixieland bắt đầu phát triển cũng là lúc phong cách chơi nhạc và nhạc cụ được định hình. Các nhạc cụ chuẩn bao gồm kèn trumpet(hoặc cornet), clarinet, trombone, banjo, tuba và trống.
Trumpet thông thường là loại nhạc cụ “to mồm” nhất trong số này và hấu hết thời gian trumpet đảm nhận vai trò chính trong ban nhạc. Người chơi trumpet thường được gọi là “King”. Ngoài vai trò chơi nhạc theo giai điệu có sẵn, trumpet còn có nhiệm vụ chơi những khúc ngẫu hứng. Thông thường các nhạc công sẽ tự chơi những khúc ngẫu hứng theo ý mình, tuy vậy cũng không đi quá xa với bản nhạc để đến nỗi công chúng không còn nhận ra được ☺ . Ngoài ra, người thổi kèn trumpet với vai trò “to mồm” nhất của mình còn phải sáng tạo thế nào để có thể lôi kéo đông đảo dân chúng lắng nghe và…
Clarinet cung cấp các hoà âm và đối âm dựa trên nền trumpet chính. Clarinet không to mồm như trumpet, nhưng lại có khả năng chơi nhanh và với âm vực cao hơn. Một nghệ sỹ clarinet giỏi có thể thêm rất nhiều sáng tạo độc đáo cho bản nhạc của mình.
Kèn trombone, với thanh kéo của mình(???-gọi là rì ý nhỉ???) có thể dễ dàng tạo ra những âm méo (pitch-bend), những âm thanh phổ biến trong nhạc Jazz. Có thể nói, với ba nhạc cụ trong bộ kèn hơi này, một thứ âm nhạc phức điệu(polyphonic) đã được ra đời.
Bên cạnh đó, các ban nhạc còn sử dụng các nhạc cụ giữ nhịp bao gồm tuba,banjo và bộ gõ. Tuba cung cấp những âm thanh trầm(bass), banjo cung cấp những hợp âm ổn định, còn trống và bộ gõ tạo ra nhịp của bài hát.
Một trong những nhạc sỹ nổi tiếng được nhiều người biết tới nhất trong thời đại đó là King Oliver (leader/trumpeter). King Oliver cũng đã tập hợp được nhiều nhạc công giỏi và mỗi người trong số họ cũng đã nổi tiếng ở vị trí của mình, trong đó phải kể đến Louis Amstrong.
Vào cuối thế chiến lần thứ nhất, những sự thay đổi trong luật pháp đã làm cho khu Storyville bị tan rã. Với việc mất đi các saloon và chỗ làm việc, các nghệ sỹ bắt đầu chuyển sang sống ở các khu vực khác của nước Mỹ, phần lớn ở Chicago. Với sự gia nhập này, một dòng nhạc Jazz mới đã được hình thành.
Chicago’s Style Dixieland
Năm 1920 được đánh dấu trong lịch sử nước Mỹ bởi hai sự kiện, trong đó có một sự kiện là “Jazz Age”(còn lại là “Roaring Twenties”). Sau thế chiến thứ nhất, Mỹ giờ đây đã là một siêu cường về mặt kinh tế. Độ ngắn của váy đã tăng lên cùng với thị trường chứng khoán ☺, và tâm trạng của người Mỹ rất phấn khích. Phụ nữ đã bắt đầu tìm được chỗ đứng trong xã hội và sự tự do của mình.
Rất nhiều các nhạc sỹ nhạc jazz người New Orleans đã di chuyển lên phía bắc,bao gồm cả King Oliver và Louis Amstrong, và làm rung chuyển thành phố này bởi âm nhạc của mình. Chicago vào những năm 1920 là một thành phố phát triển, tuy chính quyền bị điều khiển bởi các băng nhóm gangster(tiêu biểu là Al Capone) nhưng là nơi rất tốt để một dòng nhạc Jazz mới bắt đầu phát triển.
Vào những năm 1920, việc phủ sóng radio trên toàn nước Mỹ đã thành công và radio đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của người Mỹ. Radio là một vật dụng không thể thiếu của các gia đình Mỹ dùng để nghe những tin tức trực tiếp và giữa các tin tức đó là âm nhạc. Âm nhạc của các nhạc sỹ Jazz, đó chính là Jazz, một phong cách nghệ thuật mới.
Cùng với sự phát triển của radio, công nghiệp thu âm bắt đầu phát triển. Máy quay đĩa gia đình bắt đầu được phổ biến và các nhạc sỹ Jazz cũng đã bắt đầu thu âm các ca khúc của mình để phổ biến khắp nơi. Ngay cả khi công nghệ radio và thu âm lúc đó còn quá thô sơ so với bây giờ, dân chúng cũng đã say mê môi trường âm nhạc mới mẻ này. Ngoài ra công nghệ thu âm cũng đã mang lại môi trường giáo dục cho các nhạc sỹ mới với các ca khúc kinh điển có thể nghe đi nghez lại.
Chicago-style Dixieland khác khá nhiều so với nguyên bản của nó (New Orleans). Nhóm nhạc Jazz ở Chicago thường lớn hơn, có thêm một số nhạc cụ bộ kèn hơi, ví dụ như saxophone hoặc vài cây kèn trumpet nữa. Nhũng đoạn solo ngẫu hứng cũng trở nên phức tạp và đầy kỹ thuật. Guitar chơi chậm rãi đã thay thế banjo, và các tay bass đàn dây đã thay thế dần tuba. Vì các ban nhạc ở đây không còn tham gia vào các đoàn diễu hành như ở New Orleans nữa, piano và một số các nhạc cụ cố định khác cũng đã được thêm vào ban nhạc. Việc phối âm cũng đã phức tạp hơn rất nhiều.
Một số các nghệ sỹ đã nổi lên vào thời điểm này như Don Redman (saxophone), Bix Beiderbecke (trumpet), Fletcher Henderson (band leader), Jelly Roll Morton (piano/composer), và Kid Ory (trombone/composer).
Một nghệ sỹ đã trở nên chín chắn và được mọi người thán phục vào thời kỳ này là Louis “Satchmo” Armstrong (trumpet). Armstrong đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nhạc Jazz, vì vậy nhiều người gọi ông là “cha đẻ” của Jazz. Vào thời của Armstrong, các nhạc sỹ gọi ông là “Pops” như là dấu hiệu của sự kính trọng.
Armstrong là nghệ sỹ solo lớn đầu tiên trong lịch sử nhạc Jazz và những nốt nhạc phiêu du của ông đánh dấu một bước ngoặt trong Jazz với việc xuất hiện những khúc solo ngẫu hứng mà trước đây là của một nhóm nhạc sỹ. Satchmo cũng là người đầu tiên đã định lại nhịp điệu của Jazz bằng cách bỏ tính cứng nhắc trong Ragtime, áp dụng nhịp 8 nốt du dương, và làm cho người nghe cảm tưởng những nốt nhạc của ông luôn đi sau nhịp của bản nhạc. Tất cả những thay đổi này khiến người nghe có cảm giác thư giãn và được gọi về sau là Jazz swing.
Armstrong mang đến một cách nghĩ mới, âm nhạc của ông được dựa trên một cấu trúc chặt chẽ và không phải chỉ là một nét tô điểm thêm cho bản nhạc mà trái lại là một giai điệu riêng dựa trên các hợp âm đã có sẵn(khái niệm âm nhạc này vẫn còn được áp dụng cho các khúc ngẫu hứng hiện nay).
Bên cạnh tiếng trumpet đầy cảm xúc của mình, Armstrong có một cách hát ảnh hưởng rất nhiều đến các ca sỹ hát Jazz. Ông đã phổ biến một lối hát Jazz không thành lời (scat). Trong lối hát này, các ca sỹ hát ngẫu hứng các âm tiết thay cho các từ.
Big band swing
Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ vào năm 1929 đã kéo theo sự khủng hoảng nền kinh tế mà bây giờ được gọi là Great Depression. Sau những bước nhảy vọt về kinh tế và xã hội vào đầu những năm 1920, Mỹ đã chững lại, kéo theo 25% dân số trong tuổi đi làm thất nghiệp cộng với một số lượng lớn người dưới tuổi làm việc. Chúng ta đã thấy sự ảnh hưởng của kinh tế ở trong các giai đoạn trước và dường như đây cũng không phải là một ngoại lệ.
Trong những năm đầu tiên của thập niên 30, thu nhập của người dân bị giảm xuống một cách trầm trọng, nhiều câu lạc bộ nhỏ đã phải phá sản vì không còn đủ kinh phí để tiếp tục. Những nhà kinh doanh chợt nhận ra rằng, khi biểu diễn ở các câu lạc bộ lớn, lãi suất bình quân trên đầu người có thể giảm những tổng số lãi lại cao hơn rất nhiều. Và các câu lạc bộ lớn đã ra đời, các ban nhạc cũng dần dần mở rộng cường độ các nhạc cụ của mình. Bằng việc này, một dòng nhạc Jazz lại được ra đời với cái tên Big Band Swing và nhanh chóng được phổ biến rộng rãi.
Trước khi Big Band Swing thực sự được phát triển, một dòng nhạc phụ, Pre-Swing, được biết tới như một sự chuyển tiếp vào những năm 1930. Khi các band sử dụng các nhạc cụ lớn hơn, âm thanh đã thay đổi. Chicago Dixieland chỉ sử dụng 4 nhạc công bộ kèn hơi thì giờ đây Pre-Swing đã sử dụng từ 7-8 nhạc công. Bộ kèn hơi được nhanh chóng chia thành các phần nhỏ hơn, nhạc cụ hơi làm bằng gỗ (woodwind) bao gồm saxophone và clarinet, kèn đồng(brass) như trumpet và trombone. Với sự mở rộng này việc sáng tác cũng trở nên khó hơn và các nhạc sỹ đã phải thay đổi quan niệm của mình khi sáng tác.
Fletcher Henderson và Don Redman là hai nghệ sỹ đầu tiên thích ứng với cách sáng tác này. Henderson đã giải quyết vấn đề này bằng cách sử dụng woodwind, brass, và phần cầm nhịp song song với việc sử dụng các nhạc cụ solo riêng biệt. Nền móng do ông tạo ra vẫn còn được sử dụng cho tới ngày nay.
Swing được phổ biến trong dân chúng Mỹ và cả toàn thế giới một cách rộng rãi đáng ngạc nhiên. Cả những người trưởng thành lẫn thanh niên đều yêu thích thứ nhạc này. Các chuẩn mực về nhạc cụ cũng đã được hình thành trong thời điểm này và đã được sử dụng cho tới tận ngày hôm nay. Nhạc cụ bao gồm phần saxophone(woodwind) gồm 5 nhạc cụ : hai alto, hai tenor, và một baritone; 4 kèn trumpet;4 trombone;và phần nhịp điệu bao gồm piano, guitar, đàn bass dây, và bộ gõ. Phần trumpet và trombone được gọi là bộ kèn đồng(brass). Chúng ta có thể không tưởng tượng là ban nhạc lớn nhất thời đấy đã có từ 30-40 người. Mặc dù nói rằng những nhạc cụ trên là “chuẩn” tuy vậy các ban nhạc vẫn tìm tòi để tạo ra những âm thanh của riêng mình. Đồng thời các ban nhạc lớn cũng cố gắng để tạo ra chuẩn mực riêng cho mình, ví dụ, Glenn Miller sử dụng clarinet để làm lead cho phần woodwind của mình, còn Woody Herman sử dụng 3 tenor và một baritone thay cho phần saxophone nói chung.
Vào thời đó, dancing đã bắt đầu phổ biến và các ban nhạc lớn thường chơi để phục vụ dancing. Những điệu nhảy giật gân(jitterbug) đã phát triển trong thời kỳ swing này, tuy vậy, các ban nhạc lớn cũng rất thành thạo trong việc chơi các bản ballad đệm cho các điệu nhảy slow.
Dancing và nghe các big swing band chơi nhạc là một lối thoát cho những người Mỹ chán nản thời thế lúc đó. Từ những thị trấn nhỏ cho đến những sảnh lớn đều có thể tụ tập tới 5000 người nhảy múa. Trong khi dancing, ngoài những người đang đam mê với các điệu nhảy của mình là những đám đông đứng sát sàn biểu diễn để nghe như những buổi biểu diễn Rock hoành tráng ngày nay.
Nền công nghiệp thu âm đã phát triển mạnh vào thời kỳ này và có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của swing. Để vừa vặn mới phần thời gian của đĩa(khoảng 2½ phút tới 3 phút), các band thường thu âm các bản nhạc đã được rút gọn lại và thành công trong các buổi diễn. Những chiếc đĩa này được nghe ở khắp mọi nơi, thậm chí là ở các máy hát tự động(juke-box) đặt ở khắp nơi trên đất Mỹ. Dân chúng Mỹ giờ đây đã có thể tham dự các buổi live-show của các ban nhạc mà họ hâm mộ hoặc nghe những bài hát mới nhất qua đĩa.
Rất nhiều các ban nhạc nổi tiếng được mời ghi âm cho nhạc nền của film ở Holywood và Holywood cũng thường sử dụng các ban nhạc này để quảng cáo và làm cho các bộ film của mình thêm phần nổi tiếng.
Một trong những band nhạc nổi tiếng nhất lúc bấy giờ là “King of Swing”, Benny Goodman (clarinet). Tiếng kèn của Goodman đã là một chuẩn mực để các nhạc công lúc đó phải ngưỡng mộ và học tập theo ông. Song song với tiếng kèn tuyệt vời và khả năng lãnh đạo ban nhạc hoàn hảo, Goodmann đã góp phần phá vỡ hàng rào phân biệt chủng tộc trong lĩnh vực giải trí trên toàn thế giới. Bằng cách thuê những nghệ sỹ da đen tài năng như Lionel Hampton(vibraphone), Teddy Wilson(piano), cộng với việc không biểu diễn nếu không có đủ các thành viên của ban nhạc, Goodman đã bắt buộc chính phủ phải phá vỡ hàng rào phân biệt chủng tộc của mình.
Chúng ta hãy dừng lại với Goodman ở một lời bình luận của tạp chí “T.V.guide” 15 tháng 3 năm 1986, “Goodman là một nghệ sỹ clarinet vĩ đại hơn bất cứ nghệ sỹ clarinet nào. Có lẽ ông đã dành thời gian để trau chuốt tiếng kèn của mình gấp 15 lần toàn bộ ban nhạc của ông cộng lại …”
Glenn Miller cũng là một nghệ sỹ trombone nổi tiếng lúc đó. Ban nhạc “In the Mood” của ông được coi là một trong những ban nhạc lớn nhất vào thời đó. Rất tiếc, Miller cũng như bao nghệ sỹ khác đã gia nhập quân đội chiến đấu vào những năm Thế chiến thứ II và đã hy sinh ở chiến trận.
Còn rất nhiều các nghệ sỹ quan trọng đầy sáng tạo khác trong thời điểm này mà chúng ta chưa nhắc tới như William “Count” Basie (piano); Harry James (trumpet); Duke Ellington (piano/composer); Billie Holiday (vocal); Ella Fitzgerald (vocal); Woody Herman (clarinet/saxophone); Tommy Dorsey (trombone); Jimmy Dorsey (saxophone); Coleman Hawkins (saxophone); Lester Young (saxophone); và Artie Shaw (clarinet).
Sự bắt đầu của cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ II cũng là điểm kết thúc của thời đại Big Swing Band. Xăng dầu và cao su để sản xuất lốp bị hạn chế vô cùng và các ban nhạc rất khó khăn trong việc di chuyển. Rất nhiều các nhạc công gia nhập quân đội, và các ban nhạc mất dần đi những tài năng của mình. Người Mỹ yêu thích những bản nhạc swing, nhưng Jazz đã đi bước tiếp theo trong sự phát triển của mình, BOP.
One thought on “Từ Jazz cho tới Rock (P1)”
You describe the African Pentatonic scale as “C,D,E,F#,G#,A#”. But that cannot be right because a pentatonic scale has only 5 notes in it (“penta” means five). A scale with six notes in it is a hexatonic scale. What is the source for your information?