Disclaimer : Mình viết bài này dưới quan sát cá nhân sau khi làm hai game liên quan tới eSports là CrossFire: Legends và Rules of Survival trong gần hai năm, không đại diện cho bản thân hai game đó + game khác hay studio/công ty. Trong gần hai năm, bọn mình cùng nhau tổ chức được vài giải eSports ở VN/TH/ID, một giải tầm cỡ SEA, một giải quốc tế tại VN và đưa VDV đi tham gia một vài giải quốc tế tại TQ/TH.

 

Nhớ lại phút giây khi gặp đối tác lần đầu tiên để nói về chuyện một game eSport khủng, mình chẳng có bất cứ một kinh nghiệm gì về eSport (hay gọi là Thể thao điện tử) và còn chưa từng chơi MOBA bao giờ (mình là fan của simulator/management game kiểu Football Manager hay Cities Skylines mà!) Lúc đó, cách tiếp cận của mình luôn là muốn Think outside the Box thì hãy cố gắng hiểu được The Box nó là cái gì đã. Và vì vậy, nếu nói tới eSport thì phải nói tới Sport cái đã.

1.Tại sao thể thao truyền thống lại hấp dẫn?

Hãy nói tới các môn thể thao truyền thống, coi xem Top các môn thể thao truyền thống hiện tại là gì? Theo World Atlas (update Apr2018), Top 10 môn thể thao truyền thống có đông người quan tâm hiện nay nhất là :

  1. Bóng đá
  2. Cricket
  3. Hockey trên cỏ
  4. Tennis
  5. Bóng chuyền
  6. Bóng bàn
  7. Bóng rổ
  8. Bóng chày
  9. Rugby
  10. Golf

Bạn có nhận xét gì về 10 môn này? Chẳng cần tinh ý cũng nhận thấy rằng đặc tính của các môn thể thao này là đối kháng trực tiếp (không phải biểu diễn tính điểm) và … sử dụng bóng (đương nhiên mình chấp nhận bóng không phải lúc nào cũng tròn :D), nhưng còn gì nữa? Để xíu mình nói.

Ngoài đặc tính kể trên, để môn thể thao này có thể nổi tiếng và có được sự quan tâm cực lớn (từ 1/2B tới hơn vài B người hâm mộ), nó còn cần phải có các tính chất chung như :

  • Không giới hạn độ tuổi (nhưng có phân chia lứa tuổi thi đấu)
  • Lên hạng/xuống hạng
  • Chuyển nhượng điên rồ
  • Kết hợp truyền thông (Vic+Beck hay CV9+Thủy Tiên)
  • Thi đấu đa quốc gia
  • Lương thưởng đổi đời
  • Luật chơi đơn giản
  • Khả năng luyện tập đơn giản
  • Cá độ hấp dẫn

Rõ ràng, môn số 10 không dễ luyện tập ở bất cứ đâu là rớt liền. Quay trở lại câu hỏi ở trên, 10 môn thể thao nổi tiếng nhất này còn có một điểm chung cực kỳ nổi bật (insight này mình học từ đồng nghiệp) : có một điểm quan sát duy nhất. Có nghĩa là, trên sân chỉ luôn có một trái bóng và người ta chỉ cần quan sát trái bóng đó là có thể nắm bắt được phần lớn trận đấu. Tới ngày nay, một trận cầu đỉnh cao có hơn 60 máy quay trên sân bóng cũng chỉ là để làm cho góc quay đa dạng hơn (phục vụ cho việc xem lại/phân tích là chính), chứ không phải là để bạn có thể nhìn thấy nhiều trái banh hơn hay để bạn có thể quan sát được cả 22 cầu thủ một lúc. Insight mình học được từ một đồng nghiệp nổi tiếng về vận hành game MMORPG ở công ty thực sự khiến mình ‘trăn trở’ nhiều ở đoạn phía sau khi ‘làm eSport’.

Nếu không có PSG và Man xanh ở đây, chắc chắn các bạn đang  nghĩ tới UEFA Europa League (hay còn được gọi là C2/3 – xin lỗi tình yêu Ajax, sau luật Bosman thì em đã tụt dốc quá) Thế nhưng, có chữ eSports CUP ở trển đó bạn ơi. Giải này là giải eSports nhé! Và các đội tuyển eSport là các đội tuyển tới từ CLB Ajax, Valencia, PSG, Schalke 04, Man xanh … đấy bạn nhé!

Lý do tại sao ấy nhỉ? Theo mình, vì họ nắm rõ được The Box, họ nắm rõ được yếu tố vận hành của Sport, vậy thì họ sẽ phải chuyển động theo eSport, nếu nó là xu hướng của thời đại vậy thôi.

2.Phải xem được & Phải sống được

Cho dù bị đuổi việc (giống kiểu ngày xưa là cho dù Bệ hạ có chém em thì em cũng phải nói) hoặc bị cười nhạo vì cái nhìn quá mong manh chẳng có vẻ gì vĩ mô với lại sang trọng thì mình cũng khẳng định rằng sau hai năm làm game eSports, mình cho rằng hai yếu tố sau là hai yếu tố sống còn đối với eSport ở VN :

  • Người xem phải thực sự xem được
  • Vận động viên các cấp phải thực sự sống được

Có thực mới vực được đạo, trước khi nói tới chuyển nhượng điên rồ, lương thưởng đổi đời, cá độ hoành tráng thì hãy làm tốt được hai chuyện : phục vụ được người xem và vận động viên các cấp (không chỉ là đỉnh cao) phải sống được thì mới nói chuyện làm thể thao. Vậy nhưng thế mà khó đấy!

Quay trở lại câu hỏi tại sao eSport lại trở thành một thứ hót hòn họt như vậy? Bởi vì nếu nhìn vào con số thống kê, lượng người xem LoL, Dota, CS:GO hay PUBG đã ngang và vượt qua một vài môn thể thao trong Top 10 môn thể thao truyền thống nổi bật nhất (năm 2014-2015 người ta đã rầm rộ eSports>Basketball rồi). Mà cuộc đời này về mặt lý thuyết rất đơn giản, ở đâu có đám đông bu vô, ở đó có thể kiếm tiền được! Vì có đám đông ổn định là sẽ có thể truyền thông quảng cáo được -> theo lý thuyết rất đơn giản là có thêm quảng cáo/nhà tài trợ là ăn tiền thôi!

Ở đây mình chỉ xin đính vào bài mô hình Central League Model (áp dụng cho ví dụ điển hình của hệ thống giải LoL). Chi tiết xin bạn đọc ở bài siêu hay với link này của tác giả Jonathan Pan. Đọc toàn bộ chuỗi bài này, có hai điểm cực kỳ đau lòng (với tình hình hiện tại ở VN) mà mình có thể rút ra được là :

  1. Không có tiền nào tới từ IN-GAME hết (các bạn đừng réo NPH ăn tiền của người chơi để tổ chức giải eSport, tội NPH)
  2. Nguồn tiền phần lớn đến từ tài trợ/quảng cáo (dominate), sau đó mới là giải thưởng, cá độ, vé xem eSport và các vật phầm merchandise đi kèm (thú bông là ví dụ).

Quay lại chuyện xem, bạn đang quen với việc xem DUY NHẤT MỘT trái banh, giờ phải banh não ra xem giao tranh ở ba đường là não cũng đã phải hoạt động căng rồi. Ê mà bọn hooman này nó hành bạn chưa đủ, nó còn bắt bạn coi cả hơn 100 người (hay như Rules of Survival nó mở tới 300 người chơi cùng lúc luôn) thì não bạn banh ra mà coi kiểu gì? Lúc đó bình luận viên cũng banh não ra coi kiểu gì cho được cả 100 người một lúc đang làm gì để đọc tình huống mà nói cho bạn thấy cái hay cái đẹp của trận đấu???

3.Thực tại

…trong mắt mình chắc gì đã là thực tại trong mắt bạn. Có thể mình đang ở tầng suy nghĩ hời hợt nông cạn còn bạn đang ở tầng suy nghĩ sâu sắc hơn (theo kiểu Inception ấy) thì sao? Thôi mình cứ nông cạn review lại một chút nhé?

Vậy mình nói ở VN thì phải xem được và phải sống được. Chính xác ở VN bạn đang xem cái gì và nó có to đến mức đáng để bạn phải chú ý hay không? Có, theo số Youtube là vài chục triệu, đủ to.

 

Cái mà bạn xem ở VN sẽ có thể phân ra làm hai loại chính, một loại tới từ các giải đấu lớn, thậm chí là quốc tế + caster chuyên nghiệp (nhưng loại này không nhiều) và một loại là tới từ streamer hàng ngày. Không bàn tới caster chuyên nghiệp (nhưng vì thị trường cũng ít game nên họ cũng phải xoay mòng mòng), đa phần content của streamer hàng ngày lại mang tính giải trí nhiều hơn là tính chuyên nghiệp. Mình rất lạ với trường hợp của QTV (hoặc sau này là Độ Mixi) vì QTV tới khi qua 25 tuổi rồi vẫn rất nổi, trong khi eSport ở các nước khác tới 22 tuổi đã là già rồi. Sau này xem nhiều thì mới thấy anh này đánh hay chỉ là 3/10 của sự thành công thôi, 7/10 anh ấy có nhiều fans là vì thông minh, hiểu biết nhiều, fans hỏi gì cũng trả lời được và có cá tính rất rõ ràng. Độ Mixi cũng vậy. Chốt là, nếu tính tới chuyện xem được thì về phía streamer mà nói, mình cảm giác thị trường đang đi theo hướng giải trí nhiều hơn nên sẽ có bất lợi là khó pro được. Lý do tại sao thì cũng dễ hiểu và liên quan tới chuyện thứ hai : phải sống, sống thì phải có nhiều CCU, nhiều views…

Vẫn ở phần xem, về hướng game thì các game eSport trước thời Sinh tồn đều là game có 3 lane (bao gồm cả CS:GO và CrossFire: Legends), giao tranh có thể diễn ra lẻ tẻ trên 3 lane nhưng giao tranh tổng sẽ diễn ra tại một điểm nóng nhất định. Bài học CHỈ DUY NHẤT một trái banh còn mãi ở đó, do vậy lúc làm giải CrossFire: Legends bọn mình luôn cực kỳ chú ý tới chức danh nôm na là Đạo diễn hình ảnh (Xsplitter, sang không?) Để mang lại được cho khán giả những gì tốt nhất và hay nhất của trận đấu, đạo diễn hình ảnh phải có sense của game, biết điểm giao tranh, biết chuyển cảnh hợp lý để caster có thể đủ nhiệt mà cast. Bạn nghĩ có dễ tìm một ông đạo diễn hình ảnh có game sense mà lại biết xài phần mềm chuyển cảnh không ở VN không? Chắc dễ nhỉ 😀

Sang tới game Sinh tồn, sự việc diễn ra một cách biến thái hơn rất nhiều. Đây cũng là điểm khiến cho cuộc tranh luận game Sinh tồn có phải eSport hay không diễn ra hoài trên mạng. Cho dù khi tổ chức giải, bọn mình có phân thành 4 đạo diễn hình ảnh (tương ứng với 10 đội/ông đạo diễn) thì khả năng xử lý thông tin và phối hợp nhuần nhuyễn để mang lại cho người xem diễn biến sống động nhất của game là siêu khó. Đơn cử như cứ thấy chỗ nào đông thì chuyển cảnh qua đó, xong rồi đông thì đông đó mà mỗi team một nhà, nằm ngắm nhau không chịu công thì đạo diễn với caster cũng ngồi đó mà khóc!

Mà nếu bạn làm eSport mà ít người xem, thì bạn chả giải thích được cho Finance, cho BoM chứ nói gì giải thích cho Brand. Mà nếu vậy, thì bạn cũng như mình, cũng chỉ làm được tới mức campaign mkt cho game mà thôi, đâu phải là làm eSport? Kỷ niệm khiến bọn mình muốn khóc khi tổ chức giải CFMI (quốc tế) ở SG là lúc em streamer của Trung Quốc rút điện thoại ra stream, bọn mình nhìn thấy ngay trên màn hình con số 200-300K CCU. Cái số đó mà ở VN chắc chỉ cỡ LoL hay PUBG đánh chung kết quốc tế mới có. Mà em đó chỉ có stream sân khấu được setup thế nào cho khán giả TQ xem thôi đó :))

Ở phần sống được, lúc nào mình cũng ngồi tính một bài đơn giản nhất cho các bác trên đầu mình. Giờ lái xe ôm công nghệ một tháng được 10M Net nhé. Đơn giản là một League để đủ hấp dẫn anh cũng phải duy trì được 8 đội ~ 40 người, có nghĩa là anh tốn 400M/tháng, hay là 4.8B/năm chứ không mấy ông đi lái xe ôm công nghệ cho xong, ai chơi với anh làm gì cho mệt?

Nghe thốn đấy nhé, 4.8B/năm là ra được cả một em siêu phẩm game mới rồi ấy chứ (nếu chỉ tính mkt budget của game) Vậy sao ngoài đường ngoài chợ người ta cứ rần rần chuyện eSports nhỉ? Ah, vì người ta có tài trợ từ các nhãn hàng!

Hồi đó mình có may mắn đoạn đầu được bạn bè ở OPPO giúp cho CFL, sau lại được Huawei và Xiaomi nhiệt tình giúp cho RoS lắm (cảm ơn các bạn nhiều!) Nói giúp là vì mình hiểu rõ, để có tài trợ thì mình phải giúp nhãn hàng đưa được câu chuyện của họ lồng với câu chuyện của mình một cách tự nhiên nhất -> tạo ra hiệu ứng tốt nhất. Mà vậy thì không đơn giản tẹo nào (nội việc game không phải do ông dev, ông muốn đưa cái gì vào cũng khó là cả một vấn đề lớn rồi).

Viết dài quá rồi, lười quá không muốn viết nữa. Quay đi quẩn lại, không xem được không sống được thì khỏi làm eSports. Chốt bằng ba câu hỏi cuối nhé.

  1. Cty mình có tiền, làm đại thử cái giải xong bảo mình làm eSport có được không? Tùy xem bạn nghĩ eSport là gì, giải chất lượng và duy trì được hàng năm mới khó, chứ làm đại cái giải thì chỉ là event tranh giải thôi, không thể gọi là thể thao theo các tiêu chí mình đã liệt kê được. Ngay cả bạn có tự nhiên may mắn phát hành NBA mà được đem đội đi SeaGames, bạn vẫn khó gọi được nhà tài trợ sau này nếu như đội tuyển của bạn không duy trì được hình ảnh trong mắt người hâm mộ.
  2. Nhìn đen tối quá, vậy có cái nào tươi sáng hơn không? Mình vẫn tin vào tương lai của eSport VN, nhưng chưa thấy tương lai gần. Btw, Swing làm với Liên Quân rồi mấy hãng nước uống làm với LoL cũng được lâu này (chỉ tội tiền ít quá chả đủ nuôi VDV)
  3. Không thấy nói gì về LiveStreaming Platform. Dài quá không muốn nói nữa, cơ mà LiveStreaming Platform muốn làm cũng phải làm sao để user xem được & streamer sống được thôi :)) Làm được chuyện đơn giản ở scale lớn mới là giỏi, chứ làm chuyện phức tạp ở scale nhỏ thì bà bán phở làm cũng được.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.