Một sự nói trước nhẹ là mình thực ra chỉ chạy UA (User Acquisition) cho game 2-3 năm vừa rồi, không có làm marketing (theo nghĩa rộng) và cũng không có tự làm game. Nên nói là “mình làm game” thì hơi quá. Nhưng mà, bố mẹ hỏi làm gì thì cũng phải trả lời là con làm game. Chắc bố mẹ cũng thầm nghĩ trong đầu lại làm mấy cái trò bắn giết trẻ trâu rồi hai người lại quay ra chơi Pikachu cổ điển  😆

Vậy game là gì? Là mấy trò bắn giết trẻ trâu? Là mấy viên kim cương hay mấy cái nông trại ảo? Hay là cả cuộc sống của mình cũng đang là một game (nếu không tin, bạn coi Matrix 1999 hay là WestWorld 2016 mà coi mình nói đúng không!) Định nghĩa thì có nhiều, bạn vào đây mà tự coi, mình chỉ trích ra một cái mình thích nhất thôi :

When you strip away the genre differences and the technological complexities, all games share four defining traits: a goal, rules, a feedback system, and voluntary participationJane McGonigal

Và với định nghĩa này, game có thể là tất cả mọi thứ trong cuộc đời. Tuy vậy, cái làm mình thấy thú vị hơn với ngành game là việc phân chia loại game. Tạm quên những thứ gọi là Casual Game, Card Game, SLG, MMORPG… đi đã và quay lại thời xưa, game được chia thành 4 loại như sau :

  1. Agon : các game có tính đối kháng trực tiếp, giống như các môn thể thao ngoài đời thực (bóng đá, tennis, bóng rổ…)
  2. Alea :  các game liên quan tới may rủi, ví dụ như game tung xúc sắc, game đánh bài, poker, cá độ cho tới Vietlott …
  3. Ilinx (hay còn gọi Vertigo) : các game xáo trộn không gian thực thông thường để tạo ra cảm giác khác, ví dụ như đua ngựa, đi trên dây, nhảy dù …
  4. Mimicry : các game được thực hiện trong các thực tại được tạo ra khác với thực tại thông thường, ví dụ như kịch trong nhà hát, các bài biểu diễn múa, game nhập vai MMORPG …

Một game đơn giản hoặc phức tạp bạn chơi hàng ngày có thể là một món cocktail trộn lẫn hai hoặc nhiều loại kể trên. Bây giờ ví dụ dễ nhất là game ai cũng biết, game dò mìn (minesweeper).

  • Để dò được bãi mìn, đầu tiên vào bạn phải chọn ngẫu nhiên một ô để bấm. Ô này có thể có mìn hoặc không. Vậy là game này có tính chất Alea, may rủi (nên là bạn có bấm góc phải trên cùng hay góc trái dưới cùng thì khả năng vẫn dính mìn từ phát đầu tiên là thường)
  • Game này có tính thời gian, ai phá mình nhanh hơn thì người đó giỏi (hoặc là bạn tự đua với bạn). Do vậy, nó cũng có tính chất Agon

Dưới đây là một vài game nổi tiếng gần đây được phân loại theo cách này (nguồn : Marisa’s Garden). Bạn cũng có thể tự làm bài tập để xem game mình thích/mình đang làm có những tính chất nào.

Từ cách phân loại này, người ta cũng sẽ có bốn cách để có cơ hội trải nghiệm khác nhau từ game. Cụ thể :

  1. Với các game có tính Agon, người tham gia sẽ phải tìm cách dần dần nâng skill của mình lên ngang với skill của đối phương. Ví dụ, bạn mình chơi dò mìn phá đảo trong 1 phút mà mình cứ chơi 10 phút chết lên chết xuống thì làm sao mà nói năng gì được.
  2. Với các game có tính Alea, người tham gia thường sẽ rơi vào ảo tưởng mình có thể điều khiển được tương lai bí hiểm (tương lai nhé). Nôm na là chơi mấy game đánh bài đi, thắng thì lúc nào mình chả nói mình đánh ngon hay tay hên, thua thì đổ tại là do số đen.
  3. Với các game có tính Vertigo, đây là các game khá trực tiếp, đơn giản để người chơi có thể nhanh chóng thay đổi thực tại xung quanh mình. Bạn có thấy trẻ con hay thích quay mòng mòng không? Bạn quay thấy chóng mặt nhưng trẻ con thấy vui, thấy phê. Thực tại lúc đó vẫn có đầy đủ các thành phần như thực tại thật, căn phòng vẫn là căn phòng đó, bạn bè vẫn là bạn bè đó. Chỉ đơn giản, bạn cố gắng tìm cách xáo trộn nó đi thôi.
  4. Với các game có tính Mimicry, loại game này giúp người tham gia có cảm giác họ ở một thực tại khác với thực tại trong thế giới thật của họ. Từ cổ xưa nhất, loài người đã nhảy múa quanh đống lửa với mặt nạ của vị thần mà họ yêu mến -> cách làm cho họ cảm giác họ đang quyền lực hơn. Hoặc như lũ trẻ chơi với búp bê, tìm cách sắp xếp búp bê theo ý mình thì trong giây phút đó, bọn trẻ cũng thấy mình khác hơn, làm được nhiều thứ hơn. Rồi thì ai không có quyền lực trong cuộc sống thực có thể làm bang chủ trong game cũng thấy vui.

Hãy nghĩ rộng ra hơn, bạn có thể áp dụng cả 4 tính chất này vào bất cứ điều gì xung quanh bạn. Công việc chẳng hạn nhé, tính đối kháng thường xuyên diễn ra. Có may rủi không? Có đầy. Lâu lâu có thấy ông sếp đi mòng mòng không? Là đang cố gắng dứt mình ra khỏi thực tại tàn khốc của ổng đó. Lâu lâu có thấy phòng này ban kia tự dưng trang trí với lý do cho có bản sắc hơn không? Là để sống trong thực tại khác (và cần thiết) với thực tại bình thường của họ đó. Thử làm bài tập với bản thân mình và cuộc sống xung quanh hen.

 

4 thoughts on “[mình làm game] 1.Vậy game là gì?

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.