Một tháng không vào mạng xã hội cảm giác sao?
1.Lý do cho việc không vào mạng xã hội thì cũng khá là đơn giản, để dành thời gian đối mặt với bản thân chứ không phải muốn trốn tránh bất kỳ điều gì. Chuyện hay dở tới trong đời cũng từ bản thân mình, nên thay vì nghĩ vì sao lại thế, nên hỏi bản thân mình đầu tiên. Bắt đầu từ lúc bước chân lên xe đi lên Bảo Lộc, nghĩ rằng cứ thử một tuần, sau đó thấy thêm một tuần nữa một tuần nữa không FB không Instagram vẫn chưa đối mặt hết với bản thân (:D:D:D) nên lại nhẩn nha tới giờ cũng được một tháng. Cũng là một trải nghiệm trong đời để note lại.
Mỗi một lần sắp cảm thấy mình không thể chịu được, lại đọc đoạn thơ này của Trần Đình Thọ. Lại thấy buồn cười.
Nhiều lúc cũng ngại cho anh
Đếch có gì vui nên nỗi buồn cũng khoe lên Facebook
Canh từng dấu like mà không thấy nhục
Đời anh thế là xong rồi
Trần Đình ThọVậy thì không vào mạng xã hội sẽ mất gì và được gì?
2.Trần Tiến có viết một bài hát cực hay, có một câu “Con người, con người, chỉ lớn lên trong chính nỗi cô đơn”. Sau khi trải nghiệm qua một vài tháng làm Growth, điều ngạc nhiên nhất mà mình nhận ra rằng chính xác Growth của một công ty đi từ việc Growth về mặt mindset và điều đầu tiên khi thử nghiệm việc không xài mạng xã hội là để xem suy nghĩ của mình có thể thay đổi được hay không.
FOMO (Fear of Missing Out) là một cảm giác có thật và hiện ra rất rõ ràng khi rời bỏ mạng xã hội. Tuy vậy, cũng có thể là do mình nghĩ là mình sẽ bị bỏ rơi nên mình mới có cảm giác này. Về cơ bản, mình luôn muốn giữ kết nối với những network sau :
- Gia đình
- Bạn bè thân thiết
- Mối quan hệ liên quan tới công việc
- Người mình quan tâm
- Bạn bè mới
Trong số 5 network này, gia đình luôn là chỗ mình có thể kết nối bất cứ lúc nào, bằng bất cứ môi trường nào không nhất thiết phải là mạng xã hội. Bạn bè thân thiết không cần nhiều mà cần các cuộc nói chuyện có chất lượng, vì họ cũng có công việc và cuộc sống của bản thân họ, do vậy tần suất gặp mặt không quan trọng bằng cảm giác khi gặp. Các mối quan hệ liên quan tới công việc thực ra lại càng là các mối quan hệ đòi hỏi chất lượng khi gặp mặt bởi công việc hay business bản chất là việc tối ưu giá trị trao đổi để hai bên cùng có lợi, do vậy nếu mình gặp người ta mà không mang lại giá trị gì nhiều thì thà lâu lâu mới gặp mà có giá trị còn tốt hơn. Vì vậy, FOMO là cảm giác có thật, nhưng không quá đáng sợ. Nếu có đáng sợ, chắc chỉ là ở mục số 4. Nhưng ở mục này, cũng như vậy, nếu mình gặp mà không mang lại cảm giác cho người ta vui vẻ, thì trách gì người ta được? Có trách, là trách cái mặt mình chắc xấu xí khó ưa mà thôi. Phong Tứ Nương trong phim Tiêu Thập Nhất Lang đã nói một câu cực hay thế này “Tri kỷ ngàn chung uống không thoả, nói chuyện không hợp uống cho … say”
Đối với số 5, đúng là việc không sử dụng mạng xã hội ít nhiều sẽ khiến cho việc explore các mối quan hệ mới có vẻ chậm hơn. Nhưng ngược lại, việc chậm hơn đôi khi cũng sẽ bù lại bằng việc có duyên hơn. Cân bằng thôi.
Với khía cạnh sợ bị outdate (song song với FOMO), năm nay mình cũng đã chuyển hướng sang việc đọc một số các blog chất lượng hơn, xem một số kênh Youtube tập trung hơn nên việc không có mạng xã hội đúng là sẽ outdate một chút với các thông tin nóng, nhưng về cơ bản bù lại có nhiều thời gian để suy nghĩ sâu hơn, cũng không quá ngại.
3.Tiếp theo là việc đi du lịch mà không post ảnh đếm like. Chắc chắn thì post ảnh đếm like cũng là một thú vui, do vậy mình không có ý định đả kích gì chuyện này, chỉ muốn mô tả cảm giác khi muốn post ảnh đếm like cũng không được. Tha thẩn ở Bảo Lộc, lạc vào vườn cà phê hoa thơm nức mũi, lạc vào chùa đẹp ơi là đẹp, rồi trúng luôn cả vé số 100K … Đến khi nhìn lại hai cuộn phim mang đi chụp ở Bảo Lộc và Đà Lạt, hỏng gần hết nhưng cũng không cảm thấy quá buồn. Chính xác thì chỉ có một thoáng không vui đơn thuần về chuyện kỹ thuật (sao mình mãi mà không thuần hoá được cái máy ảnh này) chứ không có gì không vui cho chuyện chụp hì hụi mà chả có cái ảnh nào để khoe. Xác nhận cảm giác việc đừng nên đi du lịch chỉ duy nhất bởi vì bạn buồn là đúng. Đó không phải là lý do tốt để đi du lịch và có thể lại càng làm bạn buồn thêm.
Song song với việc đi du lịch là việc đi chạy. Tháng này đã hoàn thành được hai KPI khá là ngạc nhiên. Linh Chi cứ nhắc đi nhắc lại “dè bỉu” chuyện cách đây hai năm mình lúc nào cũng nói anh chỉ chạy 5km thôi. Giờ thì đã hoàn thành được 35km đường trail một cách ngon lành (có nghĩa là về trước CoT khá nhiều và không bị chuột rút, không bị chấn thương) và Half-Marathon với thời gian 2:05m. Bài học lớn nhất khi đi chạy là thực sự lắng nghe cơ thể mình và điều chỉnh cơ thể để phù hợp với môi trường xung quanh. Cũng không còn quá nhiều vướng bận về chuyện chạy xong phải ngay lập tức khoe ảnh chạy lên mạng để làm gì. Ừ thì suy cho cùng chuyện đó cũng chẳng quan trọng gì, cứ để 1-2 tháng lúc nào vào FB post cái ảnh cũng chả làm sao cả. Có nhiều like hơn cũng không chạy nhanh hơn được, quan trọng là việc mình plan làm sao để chạy nhanh hơn và tập hàng ngày để hoàn thành được chuyện đó mới khó.
4.Lúc đầu nghỉ làm, ai hỏi thế cả ngày ở nhà anh làm cái gì mình cũng trả lời anh ngồi học. Trên trời dưới biển có 500 thứ hay ho để học. Mọi người cứ nghĩ toàn chuyện nghiêm trọng chứ thực ra cái gì chả phải học. Luộc khoai lang mà chả phải học, làm trứng sốt cà chua cũng phải học (có cả mấy chục cách tha hồ mà làm), pour ly cà phê cho đàng hoàng rõ là phải học (cái này thì vô bờ cái phải học, chưa nói tới rượu và rượu vang). Rồi thì chạy cũng phải học, đạp xe cũng phải học, đánh trống mix nhạc càng phải học … Lúc đi làm đổ tại thiếu thời gian nên học không tới nơi tới chốn, giờ có thời gian rồi mà không tới nơi tới chốn thì là do mình chứ còn nói gì được ai.
Đoạn này khi đối mặt với bản thân cũng tự thấy mình quá tham lam mà lại thiếu kế hoạch rõ ràng. Thường thì với những người tham lam mà thiếu kế hoạch nhưng hên, họ cũng sẽ có thành công lúc này lúc kia. Nhưng chính mình vẫn nói với bọn trẻ con cùng team hồi xưa là thành công một lần thì có thể là hên xui, nhưng lặp lại được thành công nhiều lần là năng lực, vậy mà bản thân mình lại không ngấm được điều này thì đúng là bị trẻ con cười chê cho cũng phải.
Vậy là sau đó mình đọc cuốn Ultralearning của Scott Young hai lần (mình nghĩ chắc mình cần đọc thêm lần nữa). Rồi thì mới chuyển hướng qua việc nếu như quá tham lam muốn học 500 thứ hay ho như vậy thì thứ đầu tiên mình cần học chính là : làm sao để học. Nghe thối vãi, nhưng mà rõ ràng nhé, ai mà chả biết thở nhưng cuối cùng mọi người đi học thiền thì học cái gì đầu tiên? Học lại làm sao để thở cho chính niệm chứ học cái gì đâu. Nên là chuyện làm sao để học, để thu nạp được và chuyển hoá trở thành kiến thức có thể sử dụng được là rất quan trọng.
Tiếp sau đó, mới làm tiếp một cái thử thách thứ hai (cũng một phần nhỏ bị ảnh hưởng bởi Scott, người đã đi với bạn mình tới 4 quốc gia trong vòng 1 năm để thử học 4 thứ tiếng khác nhau trong một năm) là học tiếng Tây Ban Nha. Lúc nào cũng tự đi bào chữa cho sự dốt tiếng Anh của mình là hồi mới học cô giáo dậy không cẩn thận, không được tiếp xúc với phim ảnh, MTV … như bọn trẻ bây giờ. OK5, giờ thì học tiếng Tây Ban Nha 1:1 luôn, phim ảnh ca nhạc đầy đủ Internet chạy mượt mà xem thực sự mình dốt, thiếu phương pháp học hay là lý do đổ tại của mình là đúng thật :))
Cuốn sách thứ hai mà mình nghĩ mình sẽ còn đọc lại tới khi thấm được vào người là cuốn Banking 4.0 của Brett King. Bởi khi đã chú ý tới vịệc làm sao để học, thì lại càng phải chú ý tới những gì cơ bản, thực sự cơ bản nhất để từ đó xây dựng lên kiến thức của mình. Trong Banking 4.0, Brett ngay chương đầu tiên đã quay trở lại với 3 nguyên tắc cơ bản nhất của banking (1st principles) để từ đó suy nghĩ về việc nếu phá vỡ banking đi và làm lại từ đầu trong môi trường công nghệ hiện tại mình sẽ làm những gì. Đó là cách tiếp cận thực sự đáng học.
Cũng không thể không nói tới khoá học Tarot 3 buổi (mỗi buổi hai tiếng) của ‘thầy’ Linh Bitchy :D. Đề bài đưa ra là Linh ơi, anh muốn học Tarot theo một cách tiếp cận khoa học. OK anh ba buổi qua Internet là xong. Và đúng là xong phần căn bản thật, còn anh xem được hay không là chuyện anh có tập luyện nhiều hay không mà thôi. Tuy vậy, điều đáng nói nhất cũng vẫn quay trở lại câu chuyện First Principles, các quân bài chỉ như là các bảng chữ cái, đầu tiên phải nắm rõ bảng chữ cái thì mới có nền tảng chắc chắn để xây dựng câu chuyện của mình được.
5.Vậy, có quay lại mạng xã hội nữa không? À, có chứ. Cũng có nhiều người mình quan tâm mà không có điều kiện gặp mặt ở ngoài, cũng có nhiều thứ hay ho mình có thể học ở đó mà. Nhưng cũng không nhất thiết phải là tốn tới 2-3h cho một ngày ngay cả khi nó vẫn sẽ là một trong những thứ giúp mình kiếm được tiền. Lâu lâu một tháng vào một hai lần chắc cũng không chết được ngay đâu nhỉ?
Một tháng vừa qua có đủ thời gian để ngồi nghĩ và tìm cách optimize từng thứ một. Đầu tiên là việc chạy tạm ổn, chắc cũng chỉ cần một lần sub2 trong đời (HM) và một lần sub5 (FM) trong đời rồi sau đó lại hái hoa bắt bướm chạy nhanh được thì nhanh, không nhanh được thì chạy là tốt rồi. Nhận ra mình tham và mong muốn học quá nhiều là một chuyện tốt để giúp mình focus hơn, có plan rõ ràng hơn làm từng thứ một.
Rã ra để sửa chữa, giờ sẽ tìm cách pack lại, chắc sẽ là thử thách của tháng 12 trước khi năm mới tới. Lại đọc thơ của bác Trần Đình Thọ để tự giễu mình.
Anh bẻ đôi thời gian
Để tìm thấy mình như phần nhân chưa kịp chín
Những gì mọi người biết về anh
và anh biết về mình chỉ như lớp vỏ ngoài chiếc bánh…
Anh bẻ đôi rồi, giờ gói lại sao đây?
Trần Đình ThọMột vài blog mình đang theo dõi :
1.TechInAsia để cập nhật nhanh thông tin
2.Stratechery của Ben Thompson (Paid) để đọc phân tích
3.Fs[dot]blog (Farnam Street) để học về mental model
4.QuantMar để cập nhật về mobile & performance marketing
5.Blog của Scott Young để cập nhật về cách học & trải nghiệm cá nhân của tác giả
6.Aeon Magazine & The Curiosity : cập nhật kiến thức chung
Để học tiếng Tây Ban Nha ngoài việc học 1:1 với cô giáo (lý thuyết là hai buổi/tuần nhưng thực tế thì cả cô lẫn trò đều lâu lâu đi chơi nên cũng chỉ được 5-6 buổi/tháng), mình có sử dụng thêm :
- Giấy bút để làm bài tập, bài tập bài tập
- App Reword & tập trung vào việc nắm chắc 1000 từ đầu tiên
- Kênh Youtube Butterfly Spanish của một chị người Mễ vô cùng có duyên
- Google Translate để đọc xem Google có hiểu mình đọc gì không :v
- Chưa đủ từ để nghe nhạc và xem phim, tuy nhiên sẽ đặt mục tiêu đọc lõm bõm truyện trẻ con xem sao
3 thoughts on “Một tháng không vào mạng xã hội cảm giác sao?”
Rất hay.
cám ơn bạn.
mình muốn tìm nút like mà không có à bạn?
cảm ơn mấy đầu sách có vẻ thú vị của bạn 🙂