Disclaimer : Đây là một bài mình nghĩ là rất dài, nhiều đoạn khá nhảm và không liền mạch vì dự là mình sẽ phải viết bài này trong 2-3 ngày. Ngoài ra, nhạc VN mà mình mix đều chưa được xin phép tác giả (dạng bootleg). Cho dù bất cứ lý do gì, với vai trò một người làm trong ngành digital, mình cũng thấy đây là một hành động không đúng. Mix nhạc ở đây được hiểu là nhạc điện tử & cả hoà âm + phối khí cùng một lúc luôn là điều khó tưởng tượng mình sẽ làm được.

Lydian Mode mixing

Câu trả lời chính xác nhất thì là tự học một cách khá bản năng. Nhưng chắc đó không phải là điều mình muốn ghi lại. Bởi đang nghiên cứu framework liên quan tới Ultralearning của Scott Young, mình nhận thấy rằng kỹ năng mix nhạc là một trong những kỹ năng mình có thể có được một chút, aiz, một mẩu, aiz, một cái gì đó hơn một mẩu cũng được, một chút nhỏ rõ ràng kết quả bởi có sự tập trung nhất định so với các sở thích khác (ví dụ học trống, học kalimba …) Do vậy, note lại ở đây và so sánh với framework của Scott Young để xem có sự tương đồng gì không và mình có thể cải thiện gì trong tương lai, đó là điều quan trọng nhất. Kỹ năng này mình không đi học, nhưng học qua nhiều qua các lớp online & Youtube, vô tình trùng hợp với cách mà Scott khuyến nghị cho chuyện tự học qua mạng kết hợp với offline.

Trên là đoạn nhạc được tạo ra một cách ngẫu nhiên đầu tiên, do mình tự tạo ra và up lên Soundcloud để giữ lại làm kỷ niệm. Sau đó là một giai đoạn dài bế tắc. Nhưng trước hết, hãy review nhanh lại các bước trong framework của Scott.

  1. Metalearning : First draw a map
  2. Focus : Sharpen your knife
  3. Directness : Go straight ahead
  4. Drill : Attack your weakness point
  5. Retrieval : Test to learn
  6. Feedback : Don’t dodge the punches
  7. Retention : Don’t fill a leaky bucket
  8. Intution : Dig deep before building up
  9. Experimentation : Explore outside your comfort zone

1.Metalearning : First draw a map

Thành thật mà nói, khoảng thời gian tháng 12/2008 là khoảng thời gian khá rảnh, không phải vì công ty không nhiều việc mà là mình không biết mình đóng vai trò gì trong các công việc đó, nên có nhiều thời gian để học. Thói quen này tới từ công việc đầu tiên làm ở công ty nhà nước (VDC), cứ rảnh là vác các thứ mình thích ra học cho đỡ chán (hồi đó học được CCNA, 3/4 bằng của CCNP và trượt CCDA hai phát, code và maintain phần crawler của Baomoi trong lúc nông nhàn). Động lực thứ hai để học là mình đã từng học hai năm classical guitar hồi còn bé cho bớt nghịch (:v) nên cũng coi như biết một xíu về nhạc.

Lúc đó học rất mò mẫm, thậm chí tốn khá nhiều tiền mua DAW rồi plugins các loại nhưng không rõ mục tiêu của mình cần chẻ nhỏ ra thế nào nên mua bán khá phí tiền. Có nghĩa là không rõ ràng WHY và WHAT nên không rõ tiếp theo đi hỏi HOW ở đâu.

Nếu nói 100% không biết WHY là gì thì cũng không hẳn là đúng. WHY vì thích, đương nhiên rồi. Nhưng dạng thích này là một dạng intrinsic project, có nghĩa là học chỉ vì thích thôi chứ chả biết để làm gì là khá nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ là bạn dễ nản vì mãi không lên được tầm mà bạn thích, hoặc giả bạn sẽ đi lạc đường xong rồi cũng nản. Để đi được đường dài, nên rõ ràng với bản thân đoạn này. Và cũng nên đừng ép mình phải 100% đi theo cái WHY mình nghĩ ban đầu vì mọi thứ có thể thay đổi trên đường, miễn là phải suy nghĩ.

Về môn này, WHY dần dần hiện rõ ra hơn khi mình bắt đầu có cảm nhận rõ ràng về bài hát và mong muốn remix lại bài hát để thể hiện quan điểm riêng của mình, hoặc có thể nói là mượn ý tứ của bài để thể hiện quan điểm của mình theo một cách khác thông qua ngôn ngữ là âm nhạc.

Điều này dẫn tới WHAT là mình phải học lại rất nhiều về ngôn ngữ này, về bảng chữ cái của nó, về những gì tạo ra nó, có thể nói là học lại một lớp nhạc lý cơ bản. Sau đó bắt đầu học về cách sử dụng DAW (app để dựng nhạc – mình dùng từ này vì thấy nó cũng không khác dựng phim cho lắm), rồi plugins các loại. Lúc này bắt đầu quay về với Udemy – lý do đơn giản nhất là nó rẻ, sau đó là thấy nó rẻ mà hay phết :)) 

Hãy dừng đoạn này ở đây để quay ra coi Scott nói gì về HOW. Có ba điều mà Scott nói về HOW.

  • Hãy tìm cách để tạo ra các mốc so sánh : tức là trên đường đi, ở những đoạn đầu chập chững, hãy cố so sánh với mọi người bình thường để xem mình đi được tới đâu rồi cho tới khi mình có khả năng tự đi. Cái này mình thấy rất giống khi chạy dài, thường có các check point để mình nghỉ và cũng so sánh xem mình cách CoT bao lâu. Cái này học mix nhạc thì cứ coi Youtube là có cả biển trời để so rồi.
  • Emphasize/Exclude : sau khi có sense hơn về những gì mình làm, có thể tập trung vào một cat nhất định hoặc bỏ qua một số cat không muốn học. Ví dụ, đoạn đầu tiên khi học, mình tập trung vào nhạc Việt Nam POP đương đại, bỏ qua các loại nhạc phức tạp vì lý do nhạc Việt đương đại có vòng hoà âm khá đơn giản. Sau đó, mình phát hiện ra một app vô cùng thần thánh nhưng không hay lắm nếu muốn học đàng hoàng (Chordify – giúp bạn tìm ra hợp âm của bất cứ bài nhạc hiện đại nào trên Youtube :|) Cũng như thế, khi học tiếng Tây Ban Nha mình sẽ không gắng gượng học các từ phức tạp hàn lâm vì mình không có ý định viết bài luận tiếng ấy.

Scott cũng khuyến nghị nên bỏ 10% thời gian ra để nghiên cứu và plan roadmap. Lúc học remix nhạc, thực lòng mình cũng nghĩ học cho vui tới đâu thì tới, nên vừa học vừa sửa, chẳng có plan gì.

Quay lại Udemy, mình học khá nhiều lại về nhạc lý từ các khoá học của Jason Allen. Lúc đó mình nhớ là Jason dậy khá kỹ về lý thuyết và mình cũng thích, nhưng vấn đề của chuyện này là do mình không có plan cụ thể nên nhanh chán, do vậy nếu cứ học lý thuyết hoài mà không mix được bài nhạc nào thì mình sẽ chán liền tù tì. Do vậy mình quyết định chia tay với Jason và follow 100 kênh khác nhau trên Youtube. Nhưng vấn đề của Youtube lại còn tệ hơn ở chỗ nó chẳng có một structure nào cả, mình học từng đoạn từng mẩu nhỏ nhưng không nhìn được bức tranh tổng quát. 

Thế nên quyết định quay lại Udemy và đổi thầy. Tự học có cái vui là vậy, giống như chạy không nhanh được thì giảm pace chạy chậm lại. Và khi đổi thầy thì đã ngồi nghịch bài đầu tiên, chính xác chỉ là sắp xếp lại bài hát. Bởi bài hát này cũng khá hay ho, mình cũng ngưỡng mộ Binz mix nhạc giỏi quá nhưng mình chỉ muốn tập trung vào câu “Ta chưa hề đậm sâu…” gì đó trong bài nên đã sắp xếp nó lại một chút.

2.Focus : Sharpen your knife

Cũng dễ dàng hơn cho mình khi âm nhạc vốn là sở thích, do vậy việc tập trung không có vấn đề gì. Tuy vậy, cũng có một vài vấn đề nhỏ ảnh hưởng tới việc tập trung khi học mix nhạc :

  • Setup môi trường và tool toy phù hợp với mình, nếu không cứ loay hoay vì không biết sử dụng DAW sẽ rất mất thời gian. Để bắt đầu mượt mà hơn, mình cũng đã từng phải học luôn một khoá trên Udemy về cách sử dụng FL Studio
  • Sắp xếp thời gian đều đặn hợp lý cho bản thân
  • Biết rõ giới hạn, không phải ham quá mà làm cho tai mình mỏi mệt dẫn tới lúc đó ngồi thêm cũng không làm được gì tốt
  • Không ngại thử các ý tưởng nhỏ, đôi khi nó fail thì kệ nó, cứ phải thử thôi

3.Directness : Go straight ahead

Biển học là vô bờ và như mình nói ở trên, các khoá học của Jason Allen là hay và kỹ lưỡng nhưng lại hơi khiến mình mất tập trung và mất động lực lúc đó. Hên là trong một đống kênh Youtube theo dõi lúc đó, thấy Signals Music Studio khá dễ hiểu và theo. Sau đó kiếm được một chùm 4 khoá học của bạn này trên Udemy, với tên gọi là Song Science nên bắt đầu lao đầu vào học lại.

Scott coi Directness là một trong những phần quan trọng nhất của Ultralearning (hay các cụ nhà ta còn nói là trăm hay không bằng tay quen ấy). Thực hành trực tiếp liên quan tới các vấn đề mình học, tìm ra các vấn đề liên quan và áp dụng kiến thức mình đã học. Cách khác, học lý thuyết qua các problem sets, các vấn đề trực tiếp mà mình phải giải quyết.

Directness dẫn tới một chuyện quan trọng hơn và là một trong những yếu điểm lớn nhất của nền giáo dục mình đã từng trải qua – đó là khả năng transfer kiến thức học trên lớp trở thành những thứ có thể dùng được trong thực tế. Hay là ở châu Á cứ phải tự ngộ mới được?

Quay trở lại chuyện mix nhạc. Lúc đó mình vừa học Song Science, vừa ngay lập tức thực hành. Mình nhớ là Song Science #1 chỉ giới thiệu về những gì cơ bản nhất bao gồm gam trưởng/thứ, vòng hoà âm phổ biến trong nhạc Pop hiện đại (I V vi IV – như I’m Yours hay vi IV I V như Generade …). Tuy nhiên chừng đó cũng là đủ cho một tỷ lệ % khá lớn để mình có thể nghịch các bài nhạc bây giờ (bao gồm cả quốc tế lẫn VN).

Để giải trí một xíu, hãy coi clip này để thấy vòng hoà thanh (đúng từ ko?) phổ biến (popular chord progression) xuất hiện trong nhiều bài hát tới mức nào :

Quá wow đúng không. Nhưng mà đấy là master rồi, còn newbie thì phải thực hành thôi. Lúc đó cứ vác các bài Pop phổ biến nhất ra mà táng xem các bạn viết hợp âm ra sao thôi, mỗi ngày một bài, làm dần cũng quen tay.

4.Drill : Attack your weakest point 

Có khá nhiều điểm yếu bộc lộ ra khi bắt đầu thực hành. Việc đầu tiên, đơn giản nhất nhưng lại cơ bản nhất là làm sao để biết bài hát đó ở nhịp nào? (bpm). Kế tới, vì quá ham việc remix lại các bài hát, mình đã cố gắng ngay từ đầu cho việc bóc tách voice ra để mix lại mà không biết đó thực ra là một phần rất khó (cho dù có không ít plugins hỗ trợ việc này). Kế tới nữa, ham hố sử dụng nhiều loại nhạc cụ nhưng lại chưa nắm rõ được tính chất của từng loại nhạc cụ khiến cho bài mix như một đống hổ lốn. Cuối cùng, trống và bộ gõ là một thành phần không thể thiếu, nhưng không phải cứ đập ụm xoẹ là hay. 

Mình nhớ lúc này mình đã cố gắng khắc phục các yếu điểm bằng cách học chậm lại, một số phần không giỏi được (ví dụ vocal) tạm thời exclude, giới hạn mình lại trong một số ít nhạc cụ hơn, học thêm một khoá cơ bản về drum & percussion (lúc đó mình rảnh mà), học cách triển khai bài theo các hướng khác nhau.

Một ví dụ là bắt đầu từ loop này (hình như mình tự viết) :

Triển khai theo hướng 1 :

Triển khai theo hướng 2 (nghe lại hướng này mình thích hơn vì có cảm giác cân bằng hơn), mặc dù khá lỗi :

Đoạn này, Scott mô tả khá giống với cách mình tập đàn ngày xưa, với những đoạn quá khó thì phải tập riêng, dành thời gian tập riêng cho đoạn đó tới khi bắt đầu hơi nhuyễn thì quay lại ghép với cả bài. Thực ra mình thấy bạn nào đã học piano rồi thì chắc chắn sẽ có lợi thế khi học mix nhạc vì có thể thử sai được nhiều với chord progression, tiếc là mình cũng chả biết uýnh piano nên cũng mày mò trên FL Studio, chậm hơn xíu.

5.Retrieval – Test to learn

Scott có nhắc tới một luận điểm được gọi là JOL (Judgments of learning), nói rằng về cơ bản con người không có khả năng biết được tiến độ học hành của họ đã tới được chỗ nào rồi, tốt hay xấu. Do vậy, con người sẽ dựa vào một vài các dấu hiệu có được từ trải nghiệm trong quá trình học để đoán mình đang học tốt hay không.

Do vậy, thường người ta sẽ thấy rằng mình đang vào trớn nếu dễ dàng nhớ lại được những gì mình đã học hoặc cho rằng mình chẳng biết gì nếu mình không thể nhớ lại những gì mình đã học (ví dụ mình giờ quên gần hết những gì đã học về mix nhạc, aiz). Khó khăn cũng thường giúp người ta học tốt hơn, nhưng khó quá thì cũng sẽ làm người ta nản (nhớ flow kinh).

Đoạn này không có gì để viết vì thực ra trong lúc học mix nhạc mặc dù đã ngồi mò hợp âm khá nhiều bài nhưng lại không hệ thống lại, chỉ thoả mãn mục đích nhất thời chứ không giúp mình nhớ được lâu hơn (theo một cách như Flash Card với ngoại ngữ).

Một kỹ thuật khác trong phần này là Self-Generated Challenges. Nhớ hồi học năm cấp 3 cũng rảnh quá trong lúc luyện thi đã tự ra đề để đố nhau. Gout nhạc của mình cũng tạp nham và lại ít nghe nhạc Việt Nam hiện đại, thế nên cũng đã áp dụng việc này và dựa khá nhiều vào các bài nhạc mà bạn bè vứt cho. Ví dụ, Kiên đã vứt cho khá nhiều các bài nhạc indie và kêu anh mix thử đi. Đối mặt với các challenge này cũng khá vui, và đây là một ví dụ :

(phần 2 mình làm lại để đảm bảo cân bằng hơn giữa các nhạc cụ nhưng đúng là lần mix 1 như Kiên nói có cảm xúc rõ ràng hơn. Bài này cũng là một bài có một câu ám ảnh, khá là định mệnh 😀 – Vì khi em thức giấc, cũng giống như, ngày có mặt trời. Dù bên em mỗi phút, cũng giống như, ngày có mặt trời)

6.Feedback – Don’t dodge the punches

Bạn có biết tại sao game lại có thể khiến người ta mê mẩn tới vậy không? Ngoài việc tạo ra thế giới riêng của mình, game cung cấp cho người chơi các tuyến nhiệm vụ rõ ràng + feedback liên tục về các tuyến nhiệm vụ này. Diệt boss thêm điểm, hoàn thành bài này lên lv kia … Feedback thực sự là một chuyện quan trọng trong quá trình học.

Một trong những may mắn khi bắt đầu học chụp ảnh là việc có những được feedback tốt, trung thực, khen chê rõ ràng. Khi học mix nhạc, mỗi lần làm xong một bài cũng sẽ nhận được feedback từ nhiều người khác nhau, chủ yếu là bạn bè thân xung quanh. Có khen có chê nhưng đều rất thật lòng, thật cảm giác.

Scott nói về 3 loại feedback : outcome feedback, informational feedback và corective feedback. Tự học thường sẽ có nhiều nhất là outcome feedback do không có tutor, tôi thấy xấu thấy đẹp thấy hay thấy dở. Dù ít thông tin, outcome feedback vẫn có tác dụng tốt. Informational feedback thường sẽ tới từ peer hoặc người có am hiểu, nói rõ ràng hơn cho mình biết họ thích hoặc không thích ở điểm nào. Corrective feedback là loại feedback tốt nhất, chỉ rõ cho mình thấy mình có thể sửa sai được như thế nào.

Kinh nghiệm của mình là đừng ngại nhận feedback, nhưng cùng đừng ngại sàng lọc các feedback này, hiểu rõ xem người feedback đang ở mức độ hiểu biết nào để xếp loại feedback, nhất là với môi trường ai cũng là chuyên gia như ở VN.

7.Retention – Don’t fill a leaky bucket

Các cụ ngày xưa nói văn ôn võ luyện quả là không sai. Mình cũng không biết chính xác tại sao mình sẽ quên, nhưng nghĩ rằng não cần phải tối ưu năng lượng cho nhiều việc, nên việc gì không quan trọng nó sẽ đẩy mức độ ưu tiên xuống, nếu mình thiết kế não như thiết kế máy tính mình cũng làm vậy.

Scott nói có mấy loại quên, quên theo thời gian, quên vì bị trộn lẫn ký ức cũ với ký ức mới, hoặc không quên mà là bị xếp xó vào chỗ sâu hơn cần thời gian để gợi nhớ.

Chẳng có cách nào chống quên bằng việc phải tập luyện. Đấy cũng là một điều khá buồn khi mà sau một khoảng thời gian không mix nhạc nữa (vì bận đi làm ở công ty mới), mình đã gần như mất đi kỹ năng này.

Năm 2020, sẽ thử tập lại bằng cách chia nhỏ các bài tập ra để mình có thể dành ít thời gian hơn nhưng vẫn nhớ tới các kỹ năng đã học, đồng thời hệ thống hoá lại để hiểu rõ hơn. Loanh quanh với các vòng hoà thanh cơ bản trưởng thứ, với các nhạc cụ cơ bản, Circle of 5ths, tiếp đến là việc hiểu về chuyện sử dụng năng lượng ở trong bài mix (lúc nào cần lên cần xuống) + sử dụng mixer để cân bằng … là đã làm được khối việc. Mình nhớ bài Chè Bắp này lúc mix có dựa trên một đoạn loop (Paid) để phát triển ra và chỉ hoàn toàn dựa trên các kiến thức mix nhạc cơ bản nhất. Bài này khá fail ở đoạn cuối, nghe lại thấy rất hụt hẫng.

 

8.Intutition – Dig Deep Before Building Up

Scott có trích một đoạn nghiên cứu của các nhà tâm lý học cho rằng người chơi cờ giỏi với người chơi cờ bình thường không khác nhau ở chỗ họ tính được trước bao nhiêu nước, mà khác nhau ở chỗ qua mỗi một ván chơi họ có thể đúc kết được bao nhiêu kiến thức khác nhau.

Ở đây, có hai luồng suy nghĩ xung đột rõ ràng. Một luồng thì hô lên đừng có phát minh lại cái bánh xe, một luồng thì nói rằng hiểu càng sâu càng tốt, mày không hiểu thì tự đi chứng minh lại cho hiểu thì thôi. Ultraleaner thường sẽ rơi vào dạng thứ hai, không chấp nhận quá nhiều các sự đã rồi mà luôn tò mò đi tới tận cùng.

Giống như các lập trình viên không chịu ghi comment khi code, đúng ra mình nên ghi lại nhật ký tại sao mình mix nó như vậy, đoạn này đã gặp phải vấn đề gì, tạm thời lấp liếm bằng cách nào … Tiếc rằng lúc đó làm quá bản năng + một vấn đề nữa là muốn kết thúc một bài trong một ngày (nên làm sao ra được cái gì ra hồn), dẫn tới việc nhanh chóng kết thúc – tạo ra hai hệ luỵ : dễ bị hụt hơi ở đoạn cuối + chưa suy nghĩ đủ sâu, hoặc không mang ra làm lại sau một thời gian để ra một bản remake tốt hơn được.

 

Thời điểm đó, nghiên cứu sâu nhất với phần mix nhạc của mình chỉ dừng lại ở Lydian Mode (hình như mất 3-4 ngày) và bài trên là một bài hoàn toàn tự viết, không dùng loop (thông cảm nếu nó không hay nha :v) Mình nhớ là mình đặt tên nó là Cf không đường vì nghĩ nó giống lúc pha cf nhìn từng giọt rơi xuống tới lúc ún hụm đầu tiên không đường thấy rần rần trong người.

9.Experimentation – Explore outside your comfort zone

Tiêu đề của phần này đã nói lên những gì cần làm rồi. Phần học mix nhạc cơ bản mình còn làm không xong, nên khó có thể nói là có thử nghiệm nào rõ ràng ra ngoài comfort zone cả. Hy vọng năm 2020 sẽ có thể có một vài thử nghiệm rõ ràng hơn.

Chốt lại phần thử nghiệm này bằng một lần thử mix Inuasha với Hello Vietnam, nghe lại thấy khá dài dòng và yếu, đúng ra có thể làm nó ngắn hơn, mạnh mẽ hơn và trực diện hơn.

Như vậy, để học được một kỹ năng mới cũng đòi hỏi khá nhiều công sức, ngay kể cả có đam mê nhiệt huyết gì cũng phải có plan, phải nắm rõ nắm sâu các nguyên tắc cơ bản, vứt mình vào môi trường thực hành có feedback liên tục, rõ ràng, gom kiến thức lại để có thể tái sử dụng & dám thử nghiệm vượt ra ngoài giới hạn. Nói nhảm dài quá rồi, kết thôi.

Challenge của 2020 vẫn sẽ là luyện tập kỹ năng này với ít nhất 1 bài mix cho một quý, tập trung nhiều vào các scale có tính địa phương (exotic scale và nếu có thể hiểu được Ngũ Cung với một bản mix thì sẽ là thành công)

7Dec :

Thôi vẫn chưa hết năm nên là thử mix lại một bài với vòng hoà thanh cơ bản (Amaj, I iii IV I I ii vi V I V IV I) xem quên hết sau 6 tháng không tập luyện gì hay chưa?

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.