Shadow

Một trong những cuốn sách đọc khá say mê trong tháng 11, tháng cố gắng không sử dụng mạng xã hội là cuốn Hiểu nghèo thoát nghèo, nằm trong tủ sách Cách Cửa Mở Rộng. Cuốn sách đặt ra ba câu hỏi khá thú vị như sau :

  • Tại sao người nghèo khi có thêm tiền thì mua tv thay vì mua thực phẩm?
  • Phải chăng việc sinh nhiều con là lý do thực sự khiến gia đình nghèo đi?
  • Tại sao nhiều chính sách xoá nghèo được cho là “thần kỳ” trước đây lại thất bại?

Một vài điều thú vị có thể rút ra được từ cuốn sách, vốn dùng đối chiều các giả thiết trái chiều do hai phe tranh luận với nhau về chuyện có thực sự cần thiết phải giúp đỡ người nghèo để họ thoát khỏi bẫy nghèo hay không. Những điều thú vị này đều có vẻ đi tới một kết luận là việc thoát nghèo là có thể được (ít nhất là dễ hơn việc giàu có), nhưng cần lòng kiên trì và kỷ luật.

  • …thử nghiệm cho thấy những hộ nghèo cùng cực ở khu vực thành thị không ưu tiên thu nạp nhiều calo hơn, mà là ăn nhiều thức ăn ngon hơn … (có nghĩa là họ thay vì nâng tầm sức khoẻ thì lại đi đầu tư vào cảm giác trong khi còn thiếu thốn)
  • …người cao hơn có khả năng thông minh hơn và kiếm được nhiều tiền hơn chỉ là vì người cao hơn thì khả năng lớn sẽ được nuôi dưỡng lúc bé tốt hơn, học hành đầy đủ hơn dẫn tới họ có điều kiện để kiếm được nhiều tiền hơn
  • …khi thất nghiệp người ta không muốn ăn những thực phẩm lành mạnh buồn tẻ. Ta muốn ăn cái gì đó ngon lành một chút, mà bao giờ cũng có món gì đó rẻ nhưng ngon lành cám dỗ ta (khiến cho ta vừa nghèo đi lại vừa yếu đi, dẫn tới việc ta thất nghiệp lâu hơn và lại càng nghèo hơn)
  • …những thứ giúp cuộc sống bớt nhàm chán là ưu tiên của người nghèo, do vậy nếu không có TV/Internet, họ sẽ tham gia lễ lạt nhiều hơn (dẫn tới năng suất lao động giảm, khả năng chi tiêu cho lễ lạt nhiều lên)
  • …người nghèo thường hoài nghi nhiều hơn vào cơ hội đổi đời, do vậy thường hưởng thụ ngay lập tức những gì mình nhìn thấy (bởi vậy nên VN nhậu nhiều là vậy)
  • …chương trình giáo dục ở các nước đang phát triển thường được thiết kế cho học sinh giỏi, nên khả năng mặt bằng chung học giỏi lên là khó
  • …người nghèo hiểu về bảo hiểm nhưng không mua bảo hiểm, bởi cùng lý do ở trên họ chăm lo tới hưởng thụ trước mắt nhiều hơn là lo liệu cho tương lai
  • …hạn chế lớn nhất khi cho người nghèo vay tiền là việc thu thập thông tin (bao gồm cho việc xác định tín nhiệm trước khi vay và chi phí cho việc kiểm tra định kỳ trong khi vay), dẫn tới việc họ khó tiếp cận các nguồn vay hơn và khó có cơ hội đổi đời, nếu phải vay thì lại chỉ có cơ hội vay ở các nguồn tín dụng đen có lãi suất cực cao, rất thảm
  • …tâm lý của chuyện tôi nghèo nên tôi không tiết kiệm, trong khi giàu hay nghèo đúng ra đều phải tiết kiệm hết. Chính bởi không tiết kiệm và không có quỹ phòng thân, họ dễ bị đánh sập và vay nợ khi có sự cố bất thường xảy tới trong cuộc đời
  • …khá nhiều người nghèo kinh doanh là vì họ muốn tự tạo công ăn việc làm cho mình, chứ chẳng phải họ đam mê hay có máu kinh doanh gì hết (dẫn tới việc thua lỗ hoặc là kinh doanh nhỏ lẻ không khá lên được)
  • …cảm giác không ổn định là một nguyên nhân khiến việc nghèo trở nên nghèo hơn. Khi không ổn định người ta khó hình dung về tương lai của mình thế nào, dẫn tới việc không chủ động cố gắng cho tương lai này

Do vậy, có thể nhìn thấy chúng ta nghèo không đơn giản chỉ vì chúng ta hiện tại không có nhiều tiền. Nghèo vì không đầu tư cho tương lai (bao gồm thể lực, kiến thức và cả niềm tin).

Một cuốn sách rất đáng đọc và đáng suy ngẫm

Clip này vui phết :

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.