[mình làm game] 5. Vòng quay may mắn huyền thoại
Hồi đầu tiên làm game, khá là dị ứng với vòng quay may mắn vì ở đâu cũng thấy vòng quay may mắn, làm gì cũng thấy vòng quay may mắn. Tuy vậy, sau này dần dần nghiên cứu thấy đây là một cơ chế khá vi diệu đối với việc mkt/vận hành game.
Cơ chế này trong game được gọi là Gacha – xuất phát từ những cỗ máy rút thăm may mắn (đổi tiền xu lấy random một nhân vật dễ thương) từ Nhật Bản (đọc thêm bài về Gashapon để tìm hiểu nhé bạn).
Hiện tại, với các game cơ chế Gacha – vòng quay may mắn này được sử dụng nhiều nhất. Thường thì sẽ là bạn biết chắc là bạn sẽ tốn một số tiền nào đó để có thể ra một trong các vật phẩm mà nhà phát hành công bố nhưng không biết chính xác tỷ lệ rớt là bao nhiêu. Cơ chế Gacha này còn biến đổi theo hai nhánh khác nhau mà mình sẽ sử dụng luôn hình của game CrossFire : Legends để mô tả dưới đây.
1.Cơ chế phổ thông – quay lần nào reset lần đó :
Dễ dàng nhận thấy là cơ chế phổ thông của Gacha cho chúng ta nhìn thấy rõ các đồ vật có thể nhận được nhưng không cho biết tỷ lệ rớt đồ là bao nhiêu. Đơn giản bạn chỉ việc xài tiền (hoặc nhét xèng) vào và mong chờ may mắn sẽ thuộc về mình.
2.Cơ chế tích lũy – quay hết vòng mới reset :
Cơ chế này là một cơ chế rõ ràng hơn cơ chế phổ thông ở trên. Ví dụ, với gacha phía trên có 12 món đồ. Sau 12 vòng quay, chắc chắn 12 món đồ này sẽ rớt ra và bạn sẽ có vật phẩm ưa thích của mình (khác với phía trên là bạn có quay 1000 lần có thể xui vẫn không ra món đồ mình cần). Tuy vậy, với cơ chế này nếu hên thì ở lần quay 1 bạn có thể ra luôn đồ xịn, xui thì bạn phải quay tới 12 lần mới ra được. Chính vì điểm này, nếu ở cơ chế trên tiền để quay là không đổi thì ở đây, tiền để quay gacha sẽ thay đổi – bạn càng quay thì càng tốn tiền để quay cho lần sau.
Ví dụ, mình đã quay xong hai lượt (ra Lựu đạn Kẹo và Gatling-Blue Pottery với giá lần lượt là 350 kim cương và 450 kim cương – hình như vậy). Mình vẫn chưa hài lòng mà muốn quay ra được AK47 Blue Pottery, do vậy phải tiếp tục thử vận may. Như đã nói, lần này giá cho vận may mắc hơn mấy lần trước – tận 690 kim cương.
Gacha vs Lootboxes
Trong bài viết này có phân biệt giữa hai cơ chế Gacha và Lootbox (mấy bạn đang chơi game sinh tồn hay nói đi Loot đồ là cái này này). Điểm khác biệt lớn nhất giữa Gacha và Lootbox là với Gacha bạn không bao giờ biết bạn sẽ nhận được thứ gì nếu quay vòng quay còn với Lootbox thì biết rõ ràng mình mở hộp sẽ nhận được gì.
Cảm giác cá nhận của mình là cơ chế Gacha có vẻ được chấp nhận rộng rãi bởi người châu Á, thích tính may rủi. Nói vậy chứ ở Las Vegas thì slot machine cũng đạt doanh thu cao ầm ầm vậy thôi nên chắc đoạn này mình chém gió ấy.
Chính bởi vì chuyện quay Gacha rất hên xui, đặc biệt là cơ chế Gacha phổ thông như ở trên, người sử dụng có thể khá oải khi quay mãi không ra món đồ mình mong muốn (ví dụ như ở CrossFire : Legends mình thấy có khá nhiều bạn than phiền acc chính quay mãi không ra trong khi acc phụ quay pặc một phát ra luôn dao quắm – đồ hiếm). Để giải quyết vấn đề quằn quại này, một số game có thể sẽ cho thêm lượt quay miễn phí sau một khoảng thời gian nhất định (hoặc số lượt quay nhất định) để “giúp” user có thói quen quay lại Gacha nhiều hơn.
Cũng có khá nhiều ý kiến cho rằng cơ chế Gacha này mang tính cờ bạc quá nhiều. Đặc biệt, cơ chế này sẽ tạo ra các tài nguyên dư thừa không cần thiết. Ví dụ ở phía trên, để có được món đồ mong muốn có khi tôi phải quay tới 12 lần – có nghĩa rằng 11 món đồ ở các lần quay trước không có nhiều ý nghĩa với tôi. Để giải quyết vấn đề này, game thường sẽ có hai cách :
- Để món đồ đó tự hủy bằng cách quay ra đồ theo ngày (ví dụ thời hạn sử dụng là 30 ngày) thay vì vĩnh viễn
- Có cơ chế giúp user hủy đồ không cần thiết và đổi ra các nguồn lực khác có giá trị với user hơn (ví dụ kim cương hay vàng trong game)
Update cuối cùng muốn nói là chính bởi vì cơ chế quá bá đạo của Gacha nên mới đây chính phủ Trung Quốc đã bắt buộc các Nhà phát hành phải công bố tỷ lệ rớt đồ công khai. Bạn có thể tham khảo thêm tỷ lệ rớt đồ của Dota2 hay LoL để biết nhé.