Trào lưu đĩa than và sự may mắn ngẫu nhiên
(nguồn : statista)
Tấm ảnh đã nói lên tất cả những gì mình muốn nói. Số lượng đĩa than bán ra tại Mỹ ngày càng tăng. Ở Việt Nam thì sao? Giang Trang, Đồng Lan, Mỹ Linh, Lệ Quyên, Lý, Đức Tuấn, Mỹ Tâm … đều làm đĩa than.
Những người bạn xung quanh mình cũng khá nhiều người bắt đầu chuyển qua nghe đĩa than. Để nghe đĩa than cũng không dễ, đầu tư đầu đọc, đầu tư đĩa, đầu tư một cặp loa cho đã. Đầu tư cả không gian, đầu tư cả tâm trí để nghe, chưa kể rượu hay trà hay cà phê ngon nữa.
Mình thì vẫn không phải là fan của đĩa than. Có hai thứ mà mình từ chối đĩa than, một là việc tin vào recommendation engine của Spotify sẽ giúp mình tìm ra các bài nhạc mới hợp gout, hai là việc không muốn tích trữ quá nhiều đĩa than trong nhà. Nhưng ngầm sâu trong đó, mình cũng không thích việc phải nghe cả một album từ đầu tới cuối. Lúc hỏi nhanh những người bạn xung quanh về việc nếu gặp phải một bài hát trong album đó mà mình không thích thì sao, đa phần mọi người sẽ nghe tiếp vì cũng chỉ là 3-4 phút của cuộc đời, hoặc nếu ghét thì đã không mua đĩa rồi nên là đã bật lên là nghe.
Giữa những ngày Mega Sale Day chẳng biết mua gì, lại tìm tới một thứ không quá mắc tiền nhưng mua rồi cũng nghiện như mua đĩa than, ấy là sách. Va vào cuốn “7 mô hình khởi nguồn ý tưởng” của Steven Johnson (anh ấy có bài Ted Talk về cái này ở đây). Sách về sáng tạo mình đọc cũng không ít không nhiều nhưng đầu óc vẫn mít đặc, tuy vậy quyển này đọc chương đầu đã thấy quá hay rồi.
Không cố gắng tóm tắt sách, chỉ cố đi nhanh để quay lại về việc tại sao mình không hẳn đã thích đĩa than, chẳng có đầu đọc đĩa nhưng lại viết về đĩa than. Chương đầu của sách viết về Khả năng liền kề. Ngắn gọn, sáng tạo có thể đi tới thực tiễn chỉ khi ý tưởng có thể được thực thi trong tương lai gần. Các ý tưởng không gặp thời, nằm ở tương lai xa thường sẽ khó được ghi nhận. Ví dụ trong cuốn sách nói về việc cho dù cố gắng tới đâu, máy tính cũng không thể ra đời được trong thời đại động cơ hơi nước mà cần phải có cách xử lý khác (đèn bán dẫn). Chương thứ hai của cuốn sách nói về Mạng lưới thể lỏng, về chuyện ý tưởng trước khi được thành hình rõ ràng nên được lưu chuyển qua suy nghĩ của nhiều người. Điều này trái ngược với các khoảnh khắc thiên tài trong các bộ phim về một anh hùng nào đó ngồi suy tư cả mấy năm hoặc đóng kín mình trong phòng thí nghiệm trước khi nghĩ ra chuyện gì đó thay đổi cả thế giới. Chương thứ ba nói về Linh cảm chậm. Một ý tưởng thành hình cần phải được lưu chuyển qua suy nghĩ của nhiều người, mỗi người đều giữ trong mình những linh cảm chậm để linh cảm này được nuôi lớn từng ngày. Cho tới khi một ý tưởng rõ ràng được loé ra trong đầu một ai đó + việc khả năng liền kề của môi trường giúp cho ý tưởng đó có thể được thành hình -> phát minh mới sẽ được ra đời. Có rất nhiều ý tưởng được nuôi dưỡng từ những ghi chép cả chục năm trước, được nung nấu rồi mới chín muồi.
Chương thứ tư nói về sự may mắn ngẫu nhiên. Ở trên đã nói về việc ý tưởng được lưu chuyển qua Mạng lưới thể lỏng, được nuôi bằng các Linh cảm chậm cho tới khi thành hình. Nhưng tại sao hai người cùng nghĩ thì ông A lại nghĩ ra còn ông B không nghĩ ra? Đó là sự may mắn không thể giải đáp rõ ràng.
Trước khi nói về chuyện làm sao may mắn hơn, tác giả dành một phần nói về việc phát minh của Tim Berners-Lee hay sự phát triển của Internet có thể sẽ phá hỏng sự may mắn ngẫu nhiên này. Ngày nay chúng ta không đọc sách, không kiên nhẫn chờ đợi sự đẹp đẽ mà các cuốn sách đem lại. Tất cả những gì chúng ta có ngày nay là những đoạn status ngắn ngủi, những câu trả lời nhanh tới từ Google. Nói cách khác, chúng ta không còn Linh Cảm Chậm để tạo ra sự may mắn ngẫu nhiên nữa. Chúng ta ràng buộc bản thân vào các suy nghĩ theo nhóm, theo các KOL được định hướng. “Chúng ta đang khám phá những thứ mà người khác nghiên cứu, thường được chọn từ những người có cùng sở thích với chúng ta”.
Việc đi trực diện tới điều mình cần tìm ngay lập tức làm chúng ta không có đủ cơ hội để tiếp cận với những điều mà chúng ta không cố gắng tìm kiếm nhưng lại có thể giúp cho Linh Cảm Chậm của chúng ta phát triển. Đó thực ra là một nghịch lý khi đúng ra Internet phải là chỗ để chúng ta có thể tiếp cận được với bất cứ thông tin gì trên đời mới phải chứ? Thế nhưng không, chúng ta chỉ nhanh nhanh chóng chóng để có được điều mình muốn thông qua các short-form content, các status của KOL biết tuốt mà thôi.
Khi đọc tới đây là lúc Linh Cảm của mình nhắc mình về đĩa than. Việc nghe nhạc trên một môi trường như Spotify cũng giúp mình dễ dàng bỏ qua bài, nhảy từ album này qua album khác một cách dễ dàng. Trong khi đó, việc nghe cả album sẽ giúp mình nắm rõ hơn được tinh thần của ban nhạc, thực sự có kết nối với tác giả nhiều hơn. Bạn tưởng tượng mà xem, tác giả mất bao nhiêu thời gian để ra được một album, thêm bài này, bỏ bài kia vì cảm thấy cùn mòn, vì cảm thấy chưa đáng với album của mình. Làm sao việc nhảy cóc từ bài này qua bài kia giúp chúng ta có thể thẩm thấu được những thứ như vậy nhỉ?
Ừ thì cũng không biết. Tại mình có nghe đĩa than quái đâu. Tại mình cũng vẫn nghe Spotify và skip bài ầm ầm đấy thôi. Mình có đọc sách, không chỉ phụ thuộc vào các câu giải đáp không chắc đúng sai trên Google để ‘tiết kiệm thời gian’ như các bạn trẻ. Nhưng mình cũng nông cạn, chẳng sâu sắc gì cho cam.
Vậy, túm lại cuốn sách ở trên là một cuốn sách nên đọc. Trải nghiệm nghe đĩa than từ đầu tới cuối có lẽ cũng là một trải nghiệm nên làm. Nếu không có đĩa than, hãy bật một album và dành thời gian để nghe theo thứ tự, đừng nhảy cóc. Biết đâu những người đang nghe đĩa than là họ đang nắm giữ bí mật gì đó về sáng tạo mà mình không biết hay chăng 😛 Và câu hỏi nữa là luôn có một phần các bạn trẻ đi ngược dòng thời đại. Đâu đó cả thiên hạ đang say đắm với short/mini/tiny-form content thì lại có một số bạn quay lại với đĩa than. Cũng như, nếu đã đọc lướt bài của mình để xem cuối cùng mình chém gió cái gì thì giờ bạn biết rồi đó, hãy đọc lại từ đầu tới cuối một lượt nhé.
P/S : cho tới nay mình mới chủ động nghe trọn vẹn không skip được một vài album từ đầu tới cuối, là “Once in a Red Moon” của Secret Garden, là “Children of Sanchez” của Chuck Magione, là “A Night at Opera” của Queen và album duy nhất của Quái Vật Tí Hon.