Giật tít sau khi đọc xong cuốn Chúng tôi của Zamyatin, một cuốn sách tạo cảm hứng cho nhiều cuốn sách nổi tiếng sau này, ví dụ như 1984.

Rất là bí đầu bí óc khi nghĩ tiếp về NFT. Mỗi khi mình bị bí thì thường sẽ cố gắng một là nhìn thật sâu vào một khía cạnh nào đó, hoặc là nhìn thật rộng ra để xem xem mình có đang nhìn sai/thiếu cái gì không. Và lần này thì thử nhìn rộng ra về Internet.

Điều gì khiến cho Internet trở nên hấp dẫn như vậy? Xoá nhoà khoảng cách, nhanh và ngày càng nhanh, giúp cho mọi người có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với những thứ mới, rẻ hơn … Ngày xưa mà đọc Kim Dung thì phải đi thuê truyện để đọc, nay khi số hoá xong thì ai cũng có thể đọc được, nhiều người cùng đọc được một lúc.

Vậy, rõ ràng cái hấp dẫn nhất của Internet là tôi có thể tiếp cận MIỄN PHÍ hoặc với một chi phí vô cùng rẻ tới những tài nguyên mà trước đây tôi rất khó tiếp cận. Tôi học được miễn phí rất nhiều trên Internet, hoặc học các khoá học với chi phí siêu rẻ so với việc đến trường đến lớp (mình xin thề là 10 năm trước làm sao mình tưởng tượng được với 100$ mà mình có thể học được từ Herbie Hancock, từ Natalie Portman, từ Leibovitz, từ deadmau5… mà lại còn không phải di chuyển tới lớp học, giờ cứ MasterClass mà táng). Chính bởi sự miễn phí siêu rẻ này, dẫn tới việc các tài nguyên này được tiếp cận vô cùng rộng rãi, đồng thời được cộng đồng đóng góp ngược trở lại với chi phí cũng rẻ.

Mọi thứ miễn phí rồi rẻ như vậy thì cạp đất mà ăn? Không, cạp quảng cáo mà ăn chứ. Rồi mô hình subscription, rồi freemium, nào thì trả tiền cho Netflix, cho Spotify, chi phí cố định nhưng mà truy cập thì vô định luôn.

Tóm cái cạp quần lại thì Internet là miễn phí, là rộng rãi, là rẻ. Và dần dần không ai sở hữu cái gì cả, mọi thứ đều đi thuê.

Vậy cái quần què nào mà tự nhiên lại bịa ra ông NFT? Thổi phồng mức độ hiếm có? Tăng giá theo thời gian? Sở hữu những gì mình tạo ra trên Internet? Vậy thì đó hẳn là một âm mưu kiếm tiền của một thế lực đen tối nào đúng không?

Mình khá thích sự so sánh trực quan như thế này này. OK, BTC nhất quyết hem phải là tiền, tiền thì phải mang ra tiêu chứ, BTC giống vàng miếng hơn, dùng để đem đi cất, rồi bố mẹ mang ra cho con cái, từ người này qua người khác. Nhưng ở một khía cạnh khác, vàng cũng được dùng để làm đồ trang sức và giá của đồ trang sức thì khác với giá của vàng miếng nhiều rồi. Tuỳ vào sự sáng tạo của nghệ sỹ, tuỳ vào độ phức tạp tinh xảo của trang sức đúng không? Tới đây thì bạn đã hình dung mình định nói gì tiếp theo rồi phải không? NFT cũng giống như đồ trang sức được tạo ra từ vàng/BTC/ETH vậy.

Đồ trang sức khi được sáng tác, có thể là những hình thù mới mẻ, trừu tượng lần đầu thấy, rất đẹp. Đồ trang sức khi được sáng tác, có thể là những gì cổ xưa có tính biểu tượng được chấp nhận rộng rãi, ví như Thánh giá trong đạo Chúa hay chữ Vạn nhà Phật. Ngày 1Dec2021 là ngày mà SCML, một tổ chức tôn giáo NGO tại Bồ Đào Nha có lịch sử tới hơn 500 năm đã quyết định bước chân vào thế giới NFT với sàn giao dịch Artentik (sử dụng Polygon) và bộ sưu tập 13 (why 13?) NFT đầu tiên nhằm giới thiệu RỘNG RÃI (tính chất của Internet) tới công chúng những tác phẩm tôn giáo cần được truyền bá tới hệ thế mới, theo cách thức mới.

Có một khoảng thời gian mình đã từng date với một bạn gái đầy cá tính. Bạn có hình xăm khắp người, rất đẹp, rất ý nghĩa. Bạn giải thích cho mình rằng khi ra đường, người con gái nào chẳng muốn đàn ông chú ý. Nhưng nếu cứ tô son điểm phấn thì đó là cách mà ai cũng làm, sao mình không làm cách khác là xăm những hình xăm đẹp đẽ lên người. Cuối cùng thì ai cũng nhìn mình, theo ý nghĩa tích cực mà?

Mình phải đi làm, với lại bắt đầu bị bí xem nên viết gì tiếp. Nhưng mà không phải tự nhiên mình nhảy ùm một cái từ chuyện thiêng liêng của sàn Artentik qua tới cô bạn gái cá tính. Mạng xã hội là miễn phí, nhưng một fan page có cá tính thì không miễn phí, thậm chí các nhãn hàng bây giờ còn phải bỏ ra rất nhiều tiền để thuê họ quảng bá sản phẩm cho mình. Nền tảng là miễn phí, nhưng nội dung trên đó có thể miễn phí với một đối tượng – người sử dụng nhưng lại không miễn phí với đối tượng khác – ví dụ nhãn hàng. Từ cổ tới kim, việc vừa hoà nhập vào một xã hội theo tiêu chuẩn nói chung, vừa định danh được cái riêng của mình là một việc vô cùng quan trọng. Tôi không thể không mặc quần áo gì ra đường, nhưng tôi có thể ‘mặc’ rất nhiều hình xăm ra đường để gây chú ý. Vậy thì tôi có thể không cần phải làm gì nhiều trên mạng xã hội, nhưng tôi chỉ cần có một chiếc avatar NFT trăm triệu hoặc tiền tỷ tiền tấn, ấy vậy là tôi ăn đứt người khác, phải không?

Âm mưu ở đây là gì? Internet sau một thời gian miễn phí đã ‘lùa’ đủ được số lượng người sử dụng, nên những người, những tổ chức đằng sau nó cần phải ‘bịa’ ra chuyện gì đó để kiếm tiền mạnh hơn trên sự miễn phí được bù đắp bằng quảng cáo này? Hay nó là sự tất yếu của chuyện tôi ở trên môi trường nào, tôi cũng phải là khác biệt? Và nghe thì mâu thuẫn nhưng lại không hề mâu thuẫn, sự khác biệt đó phải được càng nhiều người chấp nhận càng tốt thì nó mới có giá trị, còn nếu không ai chấp nhận thì chẳng có tí giá trị gì, người ta sẽ gọi nó là dở hơi :))

 

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.