thành công = hoàn thành giấc mơ

Eric Barker là một cây bút thú vị, chủ của blog Barking Up the Wrong Tree (dịch tiếng Việt là chó sủa nhầm cây). Mình mua và đọc cuốn này chắc cũng nửa năm trước, thấy khá cuốn hút và đọc một mạch liền tù tì trong 2-3 ngày thì phải.

Lý do để đọc thì thành thật mà nói là mình chẳng cảm thấy mình thành công ở cái gì cả (công việc, cuộc sống…) Tuy vậy, mình cũng không quá áp lực về chuyện này. Nghe có vẻ rất là …. &^%* không giống với một người bình thường, ai đó chắc chắn sẽ bĩu môi nói luôn thế thì fail là phải rồi. Mình không fail, rất không fail, mình chỉ không thành công ở chỗ không hoàn thành được giấc mơ của mình, mà nhiều lúc là vì chẳng biết giấc mơ của mình là gì mà thôi.

Quay lại cuốn sách, điều cuốn hút nhất đối với mình ở cuốn sách này là cách đặt vấn đề và cách suy nghĩ. Hãy đi qua các chương trong cuốn sách. Mình không muốn spoil để các bạn còn mua sách mà đọc, mà cảm nhận chứ.

Chương 1 nói về việc Có nên đi theo luật và vâng lời hay không. Theo suy nghĩ riêng của mình, con người bản năng sẽ làm các việc để tối ưu hoá năng lượng của mình. Đi theo luật và vâng lời là một dạng tối ưu hoá năng lượng, tránh cho việc phải suy nghĩ đột phá. Tuy vậy, suy nghĩ đột phá là một dạng khác, có thể tạo ra những thứ hay ho hơn nhưng bù lại, cách này xài hao năng lượng hơn và bạn phải chấp nhận bạn sẽ không có nhiều thứ khác trong khi thực hiện cách này (khổ luyện chả hạn, thì sẽ không được ăn ngon, đi chơi như người bình thường)

Lời khuyên của Gautam Mukunda là hiểu rõ mình là ai & chọn đúng cái ao cho mình. Hiểu năng lực, hiểu cách mình có thể phát triển và chọn chỗ trân trọng mình.

Chương 2 nói về lòng tốt, về việc liệu người tốt có thiệt thòi. Hay ngược lại, liệu những người khôn lỏi (chúng ta có nhiều lắm) có ăn hết phần của người tốt? Thậm chí đáng buồn là lòng tốt thường được đánh đồng với sự yếu đuối.

Chương này có một ví dụ khá hay về nhà tù và hệ thống. Trái với tưởng tượng của bạn là vào tù là uýnh lộn, vào tù bạn sẽ được đối xử tốt đầu tiên vì băng nhóm nào trong tù cũng muốn bạn gia nhập. Gia nhập để làm gì? Để bảo toàn năng lượng và tránh đánh nhau. 

Chương này kết luận bằng luận điểm khá thú vị là điều xấu thì có thể có ích trong ngắn hạn nhưng điều tốt chắc chắn có ích trong dài hạn. Vì vậy nên tránh đánh nhau sẽ tốt hơn. Nhưng, để thành công, cho dù bạn luôn phải đặt điều tốt lên đầu thì cũng phải biết cách tránh điều xấu và trả đũa khi cần (nhẹ nhàng nhất là giúp người khác biết được về điều xấu này). Để điều tốt có ích trong dài hạn, bạn cũng cần biết cách hướng mọi người nhìn vào các mục tiêu dài hạn nhiều hơn.

Chương 3, một cliché, ‘winners never quit, quitters never win’. Có thực sự cố gắng lúc nào cũng có tác dụng?
Case của Navy Seal khá giống với chạy bộ đường dài. Để cố gắng được bạn cần phải có ‘đối thoại tích cực’ trong đầu mình, liên tục trong lúc khó khăn. Lạc quan và bi quan chỉ khác nhau ở chỗ có coi thất bại là mãi mãi hay không? Có tự đổ lỗi 100% cho mình hay không và có tin vào điều tốt trong tương lai hay không mà thôi. Vì vậy, ngành luật là ngành có tỷ lệ stress cao ngất ngưởng vì các luật sư khi bảo vệ cho thân chủ của mình luôn phải nghĩ tới những tình huống xấu nhất (chết rồi, lập trình viên cũng vậy?)

Việc đặt quyết tâm đối nghịch với từ bỏ là một sai lầm. Cũng vì bảo toàn năng lượng, quyết tâm không thể có được nếu không đi kèm từ bỏ. Là sự đánh đổi. Hơn nữa, ta có thể hợp lý hoá những gì ta đã thử và thất bại, ta không thể hợp lý hoá những gì ta chưa thử cả. Vì vậy cứ quyết tâm, nhưng là quyết tâm thử (và phải chấp nhận hy sinh), rồi từ bỏ nếu quá fail, không đổ lỗi cho bản thân, tin vào điều tốt trong tương lai để lại quyết tâm thêm lần nữa.

Chương 4 nói về các mối quan hệ, biết gì chưa chắc đã bằng quen ai. Cũng giống như lòng tốt hay bị đánh đồng với sự yếu đuối, cư xử nhút nhát trong nhóm có thể bị coi là thiếu thông minh. 

Có khá nhiều phân tích tranh luận nói về hướng nội, hướng ngoại. Vì vậy mình sẽ không nhắc lại ở đây, tuy nhiên quay trở lại với chuyện quen ai. Có rất nhiều mức độ khác nhau trong việc nói rằng tôi quen anh ta đó. Err, chỉ đơn thuần kết bạn trên Facebook và lâu lâu ấn like thì không thể gọi là quen biết được. Bạn không chỉ quen ai, bạn cần phải thực sự đầu tư vào mối quan hệ đó, theo cách mà mối quan hệ đó mang lại lợi ích cho cả hai người, bạn mới có thể nói rằng bạn quen người ta được.

Chương 5 nói về sự tự tin. Nhớ về Navy Seal & ‘đối thoại tích cực’ không? Sự tự tin ít nhiều còn là việc tự lừa dối bản thân được nữa. Đoạn này thực ra rất khó này. Bản thân mình là cực kỳ dễ bị chính mình lừa dối, phỉnh nịnh vì vậy tự lừa dối bản thân không khó, cái khó là giữ nó ở một chừng mực, một liều lượng như một liều thuốc độc nhỏ để có thể dễ dàng kéo mình trở lại với sự thật.

Chương 6 nói về sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Chương này có một luận điểm hay – nói về việc chúng ta không lên lịch cho công việc, chúng ta lên lịch cho sự gián đoạn (ví dụ các cuộc họp). Do vậy, việc mà chúng ta rất hay stress lại thường bị hiểu sai, là do chúng ta quản lý bản thân không tốt mới dẫn tới việc ta không làm được gì cả. Vì vậy, phải học cách lên kế hoạch, học cách giữ thời gian cho bản thân mình, học cách đầu tư vào sức khoẻ, vào cuộc sống bên ngoài công việc một cách có kế hoạch.

Kết luận, nếu thành công = hiện thực hoá giấc mơ thì thực ra thành công là đơn giản. Đầu tiên, bạn phải biết mơ, có giấc mơ đúng (nếu không đúng, biết từ bỏ). Sau đó là tìm cách hiện thực hoá nó một cách thực sự (bằng lòng tốt, bằng sự kiên nhẫn …) Và lặp lại điều này. Và nhận biết được trong quá trình đó mình phải hy sinh gì. Và chấp nhận sự hy sinh đó nếu đã nhận biết được. Và biết cảm ơn và đầu tư cho các mối quan hệ.

 

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.